Vance nói ông đã đến thăm các cơ sở của Neuralink khoảng 10 lần trong ba năm qua. Ông là tác giả cuốn tiểu sử đầu tiên của Musk với tiêu đề Elon Musk: Tesla, SpaceX và sứ mệnh tìm kiếm tương lai, xuất bản năm 2015.
"Dù thu hút sự quan tâm từ hàng nghìn người tiềm năng, công ty vẫn chưa tìm được người phù hợp đầu tiên", Vance nói. "Neuralink vẫn chưa chọn được tình nguyện viên hay ai đó sẵn sàng để bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ một phần hộp sọ để đưa các điện cực và dây siêu mỏng vào não của họ".
Theo Vance, khi gắn chip vào não, bác sĩ phải mất vài giờ để thực hiện ca phẫu thuật cắt hộp sọ, sau đó cần 25 phút để robot đưa thiết bị vào cùng với bộ phận chip siêu mỏng gồm khoảng 64 sợi khác nhau. Các sợi mỏng đến mức chỉ bằng 1/14 chiều rộng của một sợi tóc người.
Neuralink hiện đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các công ty khởi nghiệp về giao diện máy tính - não khác như Synchron và Onward. "Musk cảnh báo Neuralink phải tăng tốc giống như cách thế giới đối phó với ngày tận thế", Vance tiết lộ.
Neuralink được Elon Musk đồng sáng lập năm 2016 cùng 7 thành viên khác, nhưng đa số đã rời đi. Mục tiêu của công ty là phát triển thành công giao diện não - máy tính để cho phép con người hợp nhất với AI trong tương lai.
Giữa năm nay, Neuralink được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt thử nghiệm cấy chip lên người. Trước đó, công ty từng nhiều lần nộp đơn nhưng bị từ chối với lý do không an toàn.
Ngày 19/9, Neuralink cho biết đã vượt qua bài kiểm tra từ một hội đồng đánh giá độc lập gồm các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành về thần kinh tại Mỹ, qua đó được phép tiến hành cấy chip lên não bệnh nhân bị bại liệt. Công ty cũng đăng tuyển tình nguyện viên, nhưng đến nay việc cấy ghép chưa diễn ra.
Theo Vance, công ty đặt mục tiêu chip sẽ hoạt động trên 11 người vào năm tới và hơn 22.000 người vào năm 2030.
Neuralink chưa đưa ra bình luận.
Công ty nghiên cứu Grand View Research đánh giá quy mô thị trường cấy ghép não toàn cầu đã đạt mức 4,9 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Hiện tại, hoạt động này giới hạn ở lĩnh vực y tế, nhưng có thể áp dụng vào các lĩnh vực khác trong tương lai như chơi game, thao tác thực tế ảo, nhập dữ liệu bằng sóng não hay xem video không cần nhìn màn hình.
Bảo Lâm (theo Business Insider)