Ngày 30/1, Elon Musk cho biết Neuralink đã tiến hành ghép chip não lên người đầu tiên. Hệ thống gọi là "giao diện não - máy tính" được công ty phát triển từ 2016 hứa hẹn thay đổi cuộc sống của nhiều người, trước mắt là người khuyết tật không thể di chuyển hoặc giao tiếp.
"Musk rất thành thạo trong việc tạo dựng danh tiếng cho công ty mình, nhưng cũng tạo ra những thứ phi thường không phải ai cũng làm được", Anne Vanhoestenberghe, giáo sư về thiết bị y tế cấy ghép tích cực tại King's College London, nói với Telegraph.
Theo các chuyên gia, dù còn rất sớm, công nghệ của Neuralink có thể có tiềm năng rất lớn để thay đổi cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân.
Điều khiển bàn phím và chuột
Hôm 30/1, Musk cho biết sản phẩm đầu tiên của Neuralink sẽ được đặt tên là "Thần giao cách cảm". "Nó sẽ cho phép bạn điều khiển điện thoại, máy tính và hầu hết thiết bị chỉ bằng suy nghĩ. Người dùng ban đầu sẽ là những người không thể sử dụng được tay chân của mình", ông viết trên X.
Ý tưởng kết nối bộ não con người với máy móc không mới. Từ những năm 1990, các nhà khoa học đã thử nghiệm cấy ghép điện cực vào não người. Tuy nhiên, rào cản công nghệ không cho phép họ đưa chip vào não. Ngày nay, chip máy tính đã được thu nhỏ đến mức cực nhỏ, trong khi phần mềm AI hỗ trợ giải mã các tín hiệu từ não tốt hơn.
Giúp người mù "nhìn thấy"
Musk từng nhắc đến một ứng dụng khác của việc cấy chip não là mang lại thị lực cho những người khiếm thị và đặt tên cho nó là BlindSight. Ông cho biết thiết bị cấy ghép có thể "truyền tầm nhìn trực tiếp tới não bằng cách kích thích các phần thị giác của vỏ não, tạo ra hình ảnh về thế giới trước mắt bệnh nhân".
Cách làm này từng được thử nghiệm lâm sàng. Năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Đại học Miguel Hernández (Tây Ban Nha) đã gắn một chip vào phần vỏ não nơi chứa nhiều tế bào thần kinh thị giác của một giáo viên nghỉ hưu có tên Berna Gómez, sau đó kết nối với cặp kính có máy quay video. Gómez sau đó có thể phân biệt một số chữ cái trong bảng chữ cái và chơi một trò chơi cơ bản.
Điều khiển màn hình cảm ứng
Synchron, một công ty khởi nghiệp ở Australia, đang nghiên cứu công nghệ giao diện não - máy tính để điều khiển màn hình cảm ứng. Khác với chip Neuralink, công ty đã phát triển một loại stent có thể cấy và giải mã tín hiệu não. Với hệ thống này, bệnh nhân có thể thực hiện một số công việc hàng ngày như lên lịch hẹn khám bệnh, nhắn tin cho bạn bè hoặc mua hàng. Dù khác cách thức, giải pháp của Neuralink có thể có tính năng tương tự.
Giúp người khuyết tật đi lại
Năm 2021, Musk dự đoán Neuralink sẽ có thể "khôi phục chức năng của toàn bộ cơ thể cho người bị chấn thương tủy sống". Đến nay, công ty chưa có động thái nào cho thấy sẽ biến tham vọng thành hiện thực, nhưng giới khoa học đã nghiên cứu từ lâu.
Theo giáo sư Tara Spires-Jones, Chủ tịch Hiệp hội khoa học thần kinh Anh, trong một số thử nghiệm gần đây, các nhà khoa học có thể cấy ghép giao diện não - cột sống để giúp người bị liệt có thể đi lại. Năm ngoái, Gert-Jan Oksam, người Hà Lan, bị liệt trong một vụ tai nạn xe đạp, đã được ghép chip não giao tiếp không dây với bộ cấy thứ hai vào cột sống, giúp người này đi lại vài bước. Tuy nhiên, hệ thống cấy ghép cần phẫu thuật thần kinh xâm lấn - điều hiện chưa thể áp dụng đại trà.
Ngăn ngừa bệnh động kinh
Theo The Verge, Musk từng suy đoán việc cấy ghép có thể được sử dụng để kiểm soát các cơn động kinh. "Nếu bị chứng động kinh nghiêm trọng, bạn có thể ngăn chặn bằng cách phát hiện cơn động kinh theo thời gian thực, sau đó kích hoạt một xung phản kháng", ông nói trong một podcast năm 2020.
Các chuyên gia cho biết, khi cơn động kinh xảy ra, tế bào thần kinh trong não phát ra tín hiệu bất thường. Giới khoa học hiện cũng nghiên cứu việc cấy một loại chip não có thể phát hiện bất thường này, nhưng chưa đạt kết quả khả quan.
Chơi game
Trong một cuộc trình diễn về công nghệ, Neuralink đã thử nghiệm với một con khỉ chơi trò chơi điện tử Pong bằng tín hiệu não. Con khỉ ban đầu được dạy chơi bằng cần điều khiển và được thưởng món nước ép trái cây. Cần điều khiển sau đó được lấy đi, lúc này, con khỉ có thể "suy nghĩ" về việc chơi trò chơi.
Việc áp dụng trên con người cũng đạt được thành tựu tương tự. Năm 2004, người đàn ông tên Matthew Nagle ở Massachusetts bị liệt toàn thân sau một vụ đâm xe. Tuy nhiên, ông sau đó có thể chơi trò chơi bằng cách sử dụng một máy liên kết với não, dù thiết bị rất cồng kềnh và phải phẫu thuật xâm lấn.
Tăng cường trí nhớ cho con người
Trong số những tuyên bố mang tính suy đoán, chưa được chứng minh của Elon Musk là Neuralink có thể được sử dụng để tăng trí nhớ của con người. Trong video trên X đăng từ năm 2020, Musk tuyên bố con người "sẽ có thể lưu và phát lại những kỷ niệm".
"Mọi thứ được mã hóa trong bộ nhớ, bạn đều có thể tải lên. Về cơ bản, bạn có thể lưu trữ ký ức của mình làm bản sao lưu", ông nói.
Dù vậy, ít chuyên gia ấn tượng với tuyên bố này. Tiến sĩ Adam Rutherford, giảng viên về di truyền học tại Đại học London, gọi lời nói của Musk là "chuyện tầm phào".
Suy nghĩ "thần giao cách cảm"
Musk cũng từng suy đoán việc cấy ghép não có thể cho phép con người giao tiếp bằng suy nghĩ. Nói chuyện với podcaster Joe Rogan năm ngoái, tỷ phú gốc Nam Phi nhấn mạnh con người trong tương lai "không cần phải nói chuyện", dù "chưa chắc mọi thứ sẽ đến trong 5-10 năm".
Một bài báo được xuất bản năm ngoái bởi ARIA - Cơ quan Nghiên cứu và Phát minh của chính phủ Anh - cũng phát hiện rằng vỏ não của người bị câm điếc khi được cấy chip có thể tạo ra các từ với tốc độ gần bằng tốc độ nói thông thường. "Trong tương lai, liệu những hệ thống như vậy có thể tạo ra phương thức liên lạc hoàn toàn mới ở những người khỏe mạnh không?", nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi.
Cộng sinh với AI
Tuyên bố được đánh giá kỳ lạ nhất của Musk về Neuralink là việc kết nối bộ não con người với máy tính và Internet, qua đó giúp ngăn chặn "ngày tận thế AI tiềm tàng". Năm 2019, Musk nói con người sẽ "hợp nhất với AI để đạt được sự cộng sinh với trí tuệ nhân tạo". Theo ông, điều này cho phép con người tăng khả năng nhận thức lên mức siêu phàm, ngang tầm với AI trong tương lai.
Bảo Lâm