Đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đến huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội, dài hơn 10 km, nhưng có hơn 20 mỏ đá đang khai thác, biến cung đường này thành điểm nóng của xe quá tải, cơi nới. Nhiều năm nay, người dân ở đây khổ sở khi trời nắng tuyến đường bụi mù mịt, lúc mưa nhiều đoạn sình lầy ngập nước, chưa kể những vị trí nứt toác, hố sụt.
Xuống cấp nặng nhất là lối vào các mỏ đá tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, mặt đường biến dạng hoàn toàn. Con đường được nhiều lần sửa chữa, nhưng sau vài ngày lại hư hỏng do lượng xe chở đá chạy quá nhiều. Đơn vị bảo trì phải đổ đất đá mạt cao hơn so với mặt đường, song biện pháp này khiến vị trí sửa mấp mô, nhiều chỗ tạo thành ổ gà sâu hơn 10 cm.
Anh Trần Đức Anh, 28 tuổi, nhà tại huyện Lương Sơn, hàng ngày đi làm tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, không ít lần ám ảnh vì xe tải lớn phóng nhanh sát sạt, khuấy bụi mù. Cách đây hơn một tháng trên đường chở vợ đi làm, ôtô tải vượt nhanh làm anh Đức loạng choạng tay lái, lại đúng đoạn đường có sỏi rơi vãi nên vợ chồng ngã ra đường. May mắn khi đó không có ôtô khác đi từ phía sau nên hai người chỉ bị xây xát nhẹ.
Cách Hà Nội hơn 1.700 km, người dân sống bên tỉnh lộ 768, xã Thiện Tân, TP Biên Hoà, Đồng Nai, hàng ngày cũng khốn khổ bởi hàng nghìn xe ben đi từ mỏ khai thác đá Thiện Tân. Quán tạp hóa của bà Phạm Thị Mến, 55 tuổi, kề tỉnh lộ, mỗi ngày phải tưới nước trước tiệm gần 10 lần chống bụi do xe chở đá gây ra.
Bà Mến cho biết tình trạng xe ben chạy dày đặc tồn tại hơn 5 năm nay. Nhiều xe không che chắn, chở quá tải làm đất đá rơi vãi, bụi bay mù mịt, bám bẩn đồ đạc khắp nhà. "Nhiều xe ben chạy bạt mạng, phóng nhanh khiến ô nhiễm, bụi bẩn càng bay xa, tưới nước liên tục không hết", bà Mến nói.
Cách mỏ đá xã Thiện Tân vài cây số, khu vực mỏ đá Tân Cang, TP Biên Hòa, có xây dựng riêng con đường chuyên dùng dành cho xe ben chở đá từ các mỏ ra quốc lộ 51. Tuy nhiên, thời gian gần đây, con đường này xuống cấp trầm trọng, "ổ voi, ổ gà" dày đặc. Mỗi ngày trời mưa, nước ngập lênh láng, xe ben chạy qua, nước bắn tung tóe hai bên đường.
Khu vực quốc lộ 51, đường Đinh Quan Ân, Nam Cao... thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông liên quan xe ben chở đá, làm chết nhiều người. Người dân phường Phước Tân phải dựng chốt chặn xe, không cho vào khu dân cư. "Xe ben ở đây không những chạy ẩu, chở quá tải mà thường xuyên vượt đèn đỏ, rất nguy hiểm cho người đi đường", bà Hằng ở phường Phước Tân nói.
Tình trạng đường xuống cấp, hư hỏng do xe quá tải cũng xảy ra tại nhiều tuyến đường ở TP HCM như: Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Bá (TP Thủ Đức), Lưu Trọng Lư, Huỳnh Tấn Phát (quận 7)...
22h ngày 16/6, hàng chục xe ben cơi nới thùng từ công trình nằm trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, nối đuôi nhau chạy về TP Thủ Đức. Thùng xe đầy đất đá nhưng không được che đậy khiến bùn sình, nước bẩn rơi vãi dọc đường. Dòng xe bấm còi inh ỏi, chạy tốc độ cao khi đến các giao lộ làm người đi xe máy lo sợ.
Đến đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, đoàn xe nói trên bị Đội CSGT Cát Lái ra hiệu kiểm tra. Cảnh sát dùng thước đo, ghi nhận nhiều xe cơi nới thùng đến 1,8 m, gấp ba lần độ cao thùng xe cho phép. Trong đó, một số tài xế vừa bị xử phạt về lỗi cơi nới dù chưa khắc phục nhưng vẫn hoạt động.
Các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế nhiều năm nay người dân ở gần các mỏ khoáng sản cũng sống trong cảnh sợ hãi, đường xuống cấp nghiêm trọng do xe chở đá.
Tuyến liên xã nối đường Hồ Chí Minh với đường 10 đi giữa lòng thị trấn Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đầy "ổ gà, ổ trâu" do xe chở đá. Toàn tuyến dài khoảng 7 km, nhưng hơn 5 km hư hỏng. Để hạn chế tốc độ của ôtô chở đá, một số hộ dân đặt vật cản trước cổng nhà, sát lề đường.
Theo CSGT tỉnh Quảng Bình, tình trạng xe quá tải xuất hiện ở hầu hết tuyến đường, từ quốc lộ 1A, quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh đến các tỉnh lộ, đường liên xã... Chủ yếu xe quá tải chở vật liệu xây dựng, đất cát.
Tương tự, tỉnh lộ 16 đi qua phường Hương Văn, Hương Vân và Tứ Hạ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) được xem là "con đường đau khổ" khi mỗi ngày hàng trăm lượt xe tải, xe ben chở đá, đất đi qua. Mỗi lần ôtô tải chạy qua lại cuốn bụi bay mù mịt, nhiều nhà dân nơi đây phải đóng cửa cả ngày. Những hàng cây ven hai bên đường dày đặc lớp đất đỏ.
CSGT thị xã Hương Trà cho biết, tỉnh lộ 16 từ trung tâm phường Tứ Hạ lên xã Hương Bình là nơi tập trung nhiều mỏ đất, đá nên số lượng xe ben, xe tải đi qua rất lớn. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý 21 trường hợp xe chở quá tải trên tuyến đường này.
Tình trạng ôtô quá tải gây hư hỏng đường xá, ảnh hưởng đời sống người dân tồn tại nhiều năm và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mới đây, hôm 4/6 xe tải cơi nới thùng cao hơn 2,5 lần cho phép, chở đất, chạy trên đường Hồ Chí Minh (xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hoà Bình) bị lật, đè ôtô 4 chỗ làm ba người chết.
Họp Quốc hội ngày 9/6, đại biểu Lê Tất Hiếu nêu xe quá tải đã khiến nhiều công trình đường xá xuống cấp rất nghiêm trọng, thiệt hại nhiều tỷ đồng, song quy định khó xử lý hình sự, nên tính răn đe không cao.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Nghị định 100 tạo sự đột phá trong kiểm soát an toàn giao thông, nhưng Bộ đánh giá vẫn còn một số điểm hạn chế, nhất là trong xử phạt xe quá tải. Hiện quy định cho xe vượt tải 50-60%. Song sắp tới, Bộ sẽ kiến nghị theo hướng phạt nặng ôtô vượt tải 10%; xe vượt đến 20% sẽ bị tịch thu.
"Chúng ta không xử lý hình sự mà bằng biện pháp hành chính để đảm bảo răn đe và an toàn cho các công trình giao thông", ông Thể nói và cho biết việc xử phạt nặng sẽ ngăn chặn các chủ xe sau khi đăng kiểm lắp ghép, cơi nới thùng.
Nhóm phóng viên