Trả lời:
Hiện nay nhiều trang thương mại điện tử, siêu thị bán loại muối nhập khẩu gọi là muối hồng Himalaya. Loại muối này có màu hồng khá bắt mắt, được giới thiệu nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như chế biến món ăn ngon hơn, nhiều chất khoáng hơn, thậm chí còn được coi là "tiên dược" để ngâm chân, chườm nóng giúp đả thông kinh huyệt.
Về bản chất, từ hàng triệu năm nay, muối không có sự thay đổi về thành phần, muối hồng hay muối trắng đều có cấu tạo từ natri clorua (NaCl). Màu hồng của muối là do trầm tích kéo dài nên muối cạn ở vùng Himalaya có thêm một số khoáng chất đặc trưng ở vùng đất đó.
Một số tài liệu cho thấy muối hồng khác muối trắng ở đặc điểm có thêm một số khoáng chất như stronti và molypden. Khoáng chất này không chứa kim loại nặng nên không gây hại, có thể sử dụng trong chế biến thực phẩm và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, bản chất muối hồng vẫn là muối ăn bình thường, thêm một số khoáng chất nhưng không quá quan trọng với sức khỏe. Hơn nữa, loại muối này đắt tiền, phải nhập khẩu nên nguy cơ bị làm giả rất cao. Muối bị làm giả rất nguy hiểm vì các hóa chất trộn muối để lên màu hồng có thể ảnh hưởng sức khỏe.
Tốt nhất, nên sử dụng sản phẩm tự nhiên có sẵn ở trong nước như muối trắng, bởi chúng cũng chứa nhiều khoáng chất, có thể làm gia vị, ngâm chân, hoặc sử dụng làm nước cất, nước muối sinh lý.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên ăn dưới 5 g muối/ngày. Trong khi đó, thống kê cho thấy người Việt Nam ăn 9,4 g muối/ngày, vượt quá lượng trung bình cần thiết. Để giảm gánh nặng bệnh tật, nhất là bệnh tim mạch, huyết áp, cần giảm muối bằng cách bớt muối khi nấu ăn, chấm nước chấm nhẹ tay, giảm món ăn mặn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội