Theo bệnh án, người đàn ông từng xạ phẫu điều trị ung thư di căn não, trị tắc ruột do di căn hỗng tràng. Đến ngày 7/6, ông nhập Bệnh viện Hữu nghị để tiếp tục điều trị hóa chất ung thư phổi. Hai tuần trước, ông bị đau dữ dội vùng cột sống thắt lưng, khớp háng phải. Người đàn ông không thể ngồi, không thể tự đi lại, thậm chí thay đổi tư thế khi nằm cũng rất đau. Bác sĩ kê thuốc giảm đau phối hợp, trong đó có thuốc giảm đau gây nghiện morphine, là loại thuốc giảm đau mạnh song có nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc có hiệu quả hạn chế, người đàn ông chỉ đỡ đau một lát, vẫn không thể ngồi dậy, ăn uống kém và mất ngủ nhiều ngày.
Bác sĩ Trịnh Tú Tâm, Trưởng đơn vị Điện quang can thiệp và điều trị đau, Bệnh viện Hữu nghị, ngày 28/6 cho biết người bệnh được áp dụng kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng vùng cột sống thắt lưng dưới hướng dẫn của máy cắt lớp vi tính. Người bệnh được tiêm một lần vào ngày 15/6, ngay sau đó đã có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng. Sau 13 ngày, ông ăn ngủ tốt hơn, được giảm khoảng 50% liều thuốc giảm đau phối hợp so với trước khi can thiệp, có đủ sức khỏe để tiếp tục dùng thuốc hóa chất điều trị bệnh ung thư phổi.
Bác sĩ Tâm giải thích, tiêm ngoài màng cứng là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, thực hiện bằng cách đưa một kim nhỏ vào khoang ngoài màng cứng, sau đó bơm thuốc tê và thuốc chống viêm vào nhằm mục đích giảm đau, chống viêm. Từ đó, người bệnh có thể tiếp tục các hoạt động bình thường và điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Kỹ thuật giảm đau này tương tự kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng cho phụ nữ sinh nở, điểm khác biệt là có thuốc chống viêm. Phương pháp này đơn giản và hiệu quả trong nhiều trường hợp đau cấp tính, ít xâm lấn, bảo tồn được đĩa đệm và làm giảm tỷ lệ phải phẫu thuật. Kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng chỉ thực hiện điều trị bổ sung cho người ung thư ít đáp ứng điều trị nội khoa, các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh; phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thất bại gây đau lưng hoặc đau chân mạn tính hoặc do nguyên nhân ác tính làm hẹp ống sống, chèn ép vào rễ thần kinh...
Đau là triệu chứng lâm sàng phổ biến ở bệnh nhân ung thư. 50% người bệnh bị đau ở giai đoạn sớm, 65-68% bệnh nhân đau trong giai đoạn tiến triển. Đến giai đoạn cuối tỷ lệ này có thể lên tới 90%. Nguyên nhân đau có thể do khối u, ung thư xâm lấn vào xương, thần kinh, phần mềm, tạng... gây đau tăng dần, liên tục, dai dẳng.
Đau do ung thư hành hạ khiến người bệnh mất ngủ triền miên, tâm trạng lo âu, buồn bực, chán nản, suy giảm chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, cơ thể suy kiệt và nguy cơ tử vong sớm. Người bệnh thường phải dùng morphine - thuốc giảm đau gây nghiện, về lâu dài phải tăng liều lượng, hiệu lực giảm đau của thuốc rút ngắn dần, người bệnh vẫn phải chịu đựng đau đớn tái phát.
Chi Lê