Một buổi sáng năm 2017, chị Phạm Thị Hà, ở Bình Lục, Hà Nam, bỗng dưng thấy đau vai trái. Lúc đầu, cơn đau âm ỉ, như kiến cắn trong khớp vai. Cơn đau tăng dần khiến tay chị khó cử động, không thể giơ cao được. Chị khám tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán u sụn lành tính xương vai trái, đã phẫu thuật nạo u đơn thuần hai lần.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không còn đau. Mọi công việc và sinh hoạt trở lại bình thường. Đầu năm 2021, bệnh nhân thấy đau nhiều vai trái, khối u xương vai trái to dần, vận động vai ngày một hạn chế. Chị đến bệnh viện tái khám, bác sĩ nói khối u bả vai quá to, chuyển ác tính, một trường hợp rất hiếm gặp và rất khó can thiệp.
Xương vai là một xương mỏng, dẹt, nằm ngay phía sau lồng ngực, giúp cho khớp vai trở lên linh hoạt, uyển chuyển. Xương vai được vận động bởi 17 cơ bám xung quanh, hệ thống mạch máu, thần kinh bao quanh phức tạp. Nhiều bệnh viện lớn trên thế giới đã tiến hành phẫu thuật ung thư xương bả vai nhưng còn những hạn chế nhất định. Thứ nhất là chưa đảm bảo được chức năng khớp vai, thứ hai là chưa đảm bảo được tính thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Tâm Anh. Bác sĩ Nguyễn Trần Quang Sáng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật U xương và phần mềm, nhận định khối u xương vai của bệnh nhân từ dạng lành tính đã chuyển dạng ác tính, xâm lấn rộng ra gân cơ, phần mềm xung quanh. Việc cắt bỏ rộng rãi khối u và phần mềm xung quanh là bắt buộc, tránh di căn ung thư gây nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến người bệnh mất hết động tác vận động vai, hai bên vai mất cân đối, giảm tính thẩm mỹ.
Chị Hà chia sẻ: "Lúc đó, tôi hoang mang lắm. Tôi đã nghĩ, hay là chẳng chữa bệnh nữa, đau thì chịu, đến đâu thì đến". Song bác sĩ nói có thể tìm cách chữa được nên chị quyết tâm điều trị. Chuỗi ngày vật vã chống chọi với những cơn đau dai dẳng, chị Hà nuôi hy vọng.
Giáo sư Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nghiên cứu trường hợp này. Những cuộc hội chẩn giữa các chuyên khoa được tiến hành liên tục nhằm tìm giải pháp tối ưu. Bác sĩ Dũng quyết định thay đồng thời toàn bộ xương bả vai và khớp vai cho người bệnh. Đây là ca phẫu thuật lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam.
Giáo sư Dũng cho biết, trước đây, bệnh nhân ung thư xương bả vai thường trải qua những ca phẫu thuật cắt bỏ khối u, thay riêng xương bả vai, không thay khớp. Như vậy, cánh tay sẽ khó cử động và mất cân xứng giữa hai vai, người bệnh chịu thêm áp lực tâm lý.
Bác sĩ Dũng có kinh nghiệm qua nhiều ca phẫu thuật thay thế riêng xương vai hoặc riêng khớp vai, nhưng đây là lần đầu tiên tiến hành thay thế đồng thời cả hai thành phần trên. Theo ông, giải pháp mới này giúp khớp vai vận động được mà không cần các gân cơ vận động vai nguyên thủy.
Khó khăn cho cuộc phẫu thuật là xương bả vai và khớp vai nhân tạo không sẵn có do cấu trúc giải phẫu mỗi người khác nhau. Phẫu thuật phục hồi đòi hỏi việc sản xuất riêng theo thông số của bệnh nhân mà khả năng ở Việt Nam trước đây chưa thể đáp ứng ngay được. Hơn nữa, giáo sư nhận định đây là kỹ thuật rất khó.
"Sau nhiều ngày hội chẩn, chúng tôi tự tin thực hiện cuộc mổ này này vì có đủ điều kiện về máy móc, nhân lực giỏi chuyên môn, làm chủ kỹ thuật cao", giáo sư Dũng chia sẻ.
Ca mổ có sự phối hợp của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam thuộc chuyên khoa phẫu thuật khớp và y học thể thao, ung bướu, ngoại tổng quát, phẫu thuật mạch máu, gây mê hồi sức, giải phẫu bệnh, phục hồi chức năng, kéo dài hơn 5 tiếng.
Bác sĩ đánh giá, việc phẫu tích trên diện tích nhỏ hẹp từ vùng cổ đi qua vai xuống cánh tay, các chuyên gia phải cân nhắc giữa một bên là phải cắt rộng rãi khối u xương vai xâm lấn, một bên là phải bảo tồn được hệ thống đám rối thần kinh phức tạp, cùng động mạch duy nhất nuôi toàn bộ cánh tay đi qua.
Phần tái tạo xương và khớp đã được chuẩn bị từ trước nên kiểm soát được mọi chi tiết của khớp nhân tạo đưa vào cơ thể. Phần gân cơ Delta được tái tạo, giúp thực hiện đầy đủ chức năng vận động vai như thiết kế. Loại khớp này cũng là sản phẩm đặc biệt khi được thiết kế để chống trật khớp vai do các thành phần đã được ràng buộc chắc chắn lên nhau.
"Việc thay đồng thời cả xương bả vai lẫn khớp vai giúp bệnh nhân không bị mất vận động vai và cánh tay, cũng không bị mất tính thẩm mỹ", giáo sư Dũng cho biết.
Sau ca phẫu thuật hôm 27/5, chị Hà khỏe mạnh, cử động được phần cẳng tay và bàn tay bình thường. Phim chụp X-quang cho thấy xương và khớp bả vai nhân tạo hoàn toàn đúng vị trí giải phẫu, chưa phát hiện các biến chứng nghiêm trọng.
Giáo sư Dũng nhận định điều trị u xương ác tính là thách thức đối với các bác sĩ, nhất là ung thư xương bả vai khá hiếm gặp. Trong điều trị, không chỉ đơn thuần cắt bỏ khối u triệt để mà còn phục hồi hoặc thay thế các phần chi thể, bảo đảm chức năng vô cùng quan trọng của xương bả vai trong vận động khớp vai, thẩm mỹ cơ thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Kỹ thuật thay toàn bộ xương vai và khớp vai là một tiến bộ mới của ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, hoàn toàn có thể thực hiện tốt cho bệnh nhân trong nước, mở ra cánh cửa hy vọng cho các bệnh nhân bị ung thư xương bả vai nói riêng, ung thư nói chung. Đây là một giải pháp toàn diện, giúp người bệnh gặp phải các vấn đề bệnh lý khớp vai có thể được điều trị, đảm bảo tối đa cả chức năng lẫn thẩm mỹ.
Bệnh lý u và ung thư xương rất đa dạng ở nhiều lứa tuổi. Có nhóm tuổi hay gặp nhất là tuổi vị thành niên và nhóm tuổi quanh 60 tuổi, có thể do những thay đổi nhanh chóng về xương gây ra những bất thường mà cơ thể chưa kịp sửa chữa. Các triệu chứng thường được phát hiện theo từng giai đoạn phát triển của bệnh và có nhiều triệu chứng, nhưng đau xương là phổ biến nhất. Một số u lành tính như u sụn cũng có thể chuyển dạng thành ác tính nếu không được điều trị hoặc điều trị chưa triệt để.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng đang triển khai thực hiện chương trình Mặt trời Hy vọng (tiền thân là chương trình Ông Mặt trời). Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Mời xem thông tin về chương trình tại đây.