Ngày 8/7, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết với mức sinh trên, nơi này được tiếp tục xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp cả nước. Điều này kéo dài gây nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội..., trong bối cảnh kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa cao.
Gần hai thập kỷ qua, mức sinh ở TP HCM dao động ở mức 1,24-1,7, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ). Sinh đủ hai con trở thành "cơn khát" của ngành dân số TP HCM, thay vì nỗ lực vận động người dân "dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt" như nhiều địa phương khác.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến phụ nữ TP HCM chọn sinh ít hoặc không sinh con như áp lực công việc, gánh nặng kinh tế, mức sống đắt đỏ, chi phí đầu tư nuôi dạy con cao, cần thời gian cho bản thân hơn... Một số người sợ mất việc cũng như cơ hội thăng tiến khi sinh con, không đủ điều kiện chăm con tốt nhất.
Mặt khác, giới chức cho biết TP HCM cũng đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, với hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi (chiếm tỷ lệ 12,5%). Năm ngoái, số này là 11%, chưa tới 10% ở những năm trước, chứng tỏ tốc độ đang diễn ra khá nhanh. Nguyên nhân của tình trạng này là mức sinh, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Già hóa dân số tạo áp lực ngày càng tăng lên hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí...
Tổng thể, mức sinh thấp và già hóa dân số còn tác động trực tiếp đến "số lượng dân số", làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế xã hội, đại diện Sở Y tế cho hay.
Trước thực trạng trên, ngành dân số TP HCM đã bắt đầu từ hoạt động cơ bản nhất là truyền thông, tổ chức các hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia, truyền tải các thông điệp về mức sinh thấp và những hệ lụy để mọi người hiểu hơn, tìm kiếm các giải pháp.
Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình từng có những đề xuất tham mưu với Sở Y tế trong Dự thảo về chính sách Dân số tại TP HCM đến năm 2030 để trình HĐND, với các giải pháp tập trung vào việc hỗ trợ về mua nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn...
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp của nhiều ban ngành, hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức, thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản...
Ngành y tế đang phối hợp tổ chức Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng Dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024. Chiến dịch triển khai tại 159 phường xã từ 1/7 đến 31/8. Chương trình cung cấp gói dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, dành cho mọi người dân có nhu cầu. 160 cặp nam nữ sắp kết hôn sẽ được khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí trong tháng 9-10.
Lê Phương