Nằm trong nhóm 15 nước đông dân nhất thế giới, Việt Nam có lợi thế lao động dồi dào, nhưng đang đối mặt tình trạng dân số già hoá nhanh.
Hôm nay, thế giới kỷ niệm Ngày dân số lần thứ 34, khi toàn cầu vượt mốc 8 tỷ người. Con số này đang tiếp tục tăng, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA).
“Mất hàng trăm nghìn năm, dân số thế giới mới cán mốc một tỷ. Nhưng chỉ trong khoảng 200 năm, con số này tăng thêm 7 lần”, UNFPA nói trong một tuyên bố chung. Cơ quan này dự báo dân số sẽ đạt 8,5 tỷ vào năm 2030, 9,7 tỷ năm 2050, và đạt đỉnh vào năm 2080 với 10,4 tỷ.
Chung xu hướng, dân số Việt Nam tăng hơn gấp đôi sau 48 năm đất nước thống nhất, từ 47 lên 100 triệu. Thế kỷ trước, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của Việt Nam luôn cao hơn mức bình quân thế giới. Tuy nhiên, xu hướng này đảo ngược từ đầu những năm 2000, sau một thập niên chính sách kế hoạch hóa gia đình được quyết liệt thực thi. Tỷ lệ sinh đi xuống và dân số đang già đi nhanh chóng. Theo UNFPA, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Tổng cục Thống kê cho biết Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân vào tháng 4 vừa qua. Việt Nam nằm trong top 15 nước đông dân nhất, xếp hạng 41 về mật độ dân số, và đứng thứ 121 về thu nhập bình quân đầu người mỗi năm với 4.010 USD.
2023 cũng là thời điểm đất nước đi qua một nửa thời kỳ dân số vàng - bắt đầu từ năm 2007 và dự kiến kết thúc vào 2039, theo UNFPA. Một quốc gia bước vào giai đoạn này khi ít nhất hai người trong độ tuổi lao động nuôi một người phụ thuộc (trẻ em dưới 15 tuổi hoặc người già trên 65 tuổi). Điều này mang đến lợi thế kinh tế cho quốc gia khi sở hữu nguồn lao động dồi dào.
Dân số tăng, nhưng sự phát triển cả về số lượng và chất lượng không đồng đều giữa 63 tỉnh, thành. Mức sinh giữa các vùng miền chênh lệch đáng kể. Cùng với đó, dòng người di cư đến các đô thị lớn khiến sự phân bố dân cư giữa thành thị và nông thôn bất cân xứng. Thu nhập bình quân, tuổi thọ của các địa phương vì thế ngày càng phân hóa.
Tính theo vùng, người dân Đông Nam Bộ có thu nhập cao nhất nước. Trong đó, Bình Dương dẫn đầu với mức 8,1 triệu/tháng, gấp gần 4 lần địa phương xếp cuối bảng là Hà Giang - 2,1 triệu đồng/tháng.
6 tỉnh, thành miền Đông cũng là khu vực người dân sống thọ nhất. Đứng đầu là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tuổi thọ bình quân 76,4, nhiều hơn 8,5 năm so với tỉnh đứng cuối là Lai Châu. Địa phương miền núi này cũng là nơi thưa dân nhất cả nước với mật độ 53 người mỗi km2. Ngược lại, TP HCM đứng đầu về độ "đất chật người đông", mỗi km2 có 4.481 người sinh sống. Trên toàn quốc, tỷ lệ này là 300 người/km2.
"Thời kỳ dân số vàng là cơ hội chỉ xảy ra một lần với mỗi quốc gia", GS.TS Giang Thanh Long (chuyên gia về dân số và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân) nói.
Tại Việt Nam, sau quá trình bùng nổ dân số, từ năm 1993, các địa phương thực hiện đồng bộ chính sách khuyến khích mỗi cặp vợ chồng dừng lại ở hai con. Sau một thập kỷ, tỷ suất sinh bình quân giảm mạnh từ 3,5 xuống 2,1 con/phụ nữ. Cơ cấu thay đổi, tỷ lệ trẻ em giảm dần, còn lực lượng lao động bắt đầu chiếm đa số, đưa đất nước vào thời kỳ dân số vàng. Nguồn lao động trẻ dồi dào trở thành điều kiện thuận lợi để kinh tế quốc gia "bứt phá".
Theo nghiên cứu của GS David Bloom (Đại học Harvard, Mỹ), lợi ích từ lực lượng lao động tăng nhanh đóng góp khoảng 30% cho sự tăng trưởng thần kỳ của các nước Đông Á nửa cuối thế kỷ 20. Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu giai đoạn dân số vàng năm 1963 và 1987. Ba thập kỷ sau, cả 2 nước đều trở thành những quốc gia thịnh vượng khi thu nhập bình quân đầu người "nhảy vọt", tăng hàng chục lần lên 37.000 USD và 32.000 USD.
Tuy nhiên, không phải đất nước nào cũng đạt được thành tựu này. Thời kỳ dân số vàng của Thái Lan bắt đầu từ năm 1992. Gần 30 năm sau, "xứ sở chùa Vàng" bước vào ngưỡng già, nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng gần ba lần, đạt 7.100 USD. Quốc gia này có nguy cơ "giậm chân tại chỗ" ở mức thu nhập trung bình, không thể vươn lên thành nước giàu.
"Dân số vàng chỉ là cơ hội, không tự đem đến lợi tức cho bất kỳ quốc gia nào nếu họ không có chiến lược phù hợp để tận dụng", GS Long đánh giá.
Tại Việt Nam, năm 2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng thừa nhận chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số. Chính sách dân số sau đó được chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang chú trọng toàn diện các mặt, tận dụng hiệu quả cơ hội dân số vàng.
Trong khi tìm cách khai thác tốt hơn cơ hội của 16 năm dân số vàng còn lại, Việt Nam phải cùng lúc giải bài toán già hóa.
Các chuyên gia dự báo số lượng dân cư quốc gia sẽ bắt đầu suy giảm trong nửa sau thế kỷ 21. Theo UNFPA, dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh năm 2051, chạm mốc 107 triệu , sau đó giảm dần. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê ước tính dân số sẽ "xuống dốc" sau khi đạt 117 triệu năm 2066 do tỷ lệ sinh ngày càng thấp.
Trên toàn cầu, khoảng cách bình đẳng giới được thu hẹp đang khiến tỷ suất sinh giảm dần. Khi phụ nữ có thêm cơ hội về giáo dục và việc làm, họ có xu hướng sinh ít con hơn thế hệ trước. Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy này.
Năm 2006, tổng tỷ suất sinh Việt Nam lần đầu giảm xuống dưới mức thay thế 2,1 con mỗi phụ nữ và duy trì từ đó đến nay, ngoại trừ 2020 và 2021. Trước thực tế này, Chiến lược Dân số đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu duy trì tổng tỷ suất sinh cả nước ở ngưỡng thay thế. Nhưng chưa quốc gia nào đảo ngược được xu hướng giảm sinh con của phụ nữ.
Cùng lúc đó, tỷ lệ trẻ em tử vong ngày càng giảm nhờ chế độ dinh dưỡng, hệ thống y tế, điều kiện sống cải thiện, theo UNFPA. Năm 1976, cứ 1.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam thì có 76 đứa trẻ qua đời. Tỷ lệ này hiện còn 21 trên 1.000, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng trình độ thu nhập. Điều này góp phần giảm tỷ suất tử vong chung của cả nước.
Song song đó, tuổi thọ người Việt đang tăng lên, gần mức bình quân của nhóm nước thu nhập trung bình cao. Người dân Việt Nam có tuổi thọ trung bình 65 sau ngày thống nhất đất nước. Ngày nay, con số này là gần 74 tuổi.
Những yếu tố trên đang đẩy Việt Nam đi nhanh hơn đến ngưỡng cửa dân số già. Điều này đồng nghĩa số người trong độ tuổi lao động sẽ dần suy giảm, còn người già lại tăng lên. Thế nhưng, mục tiêu "dân giàu" vẫn còn xa.
Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số từ năm 2015 khi tỷ lệ người trên 65 tuổi vượt 7% tổng dân cư. Con số này hiện là 9%, đưa Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về tỷ lệ người cao tuổi, trong khi thu nhập bình quân chỉ xếp hạng 6.
Cùng lúc đó, mạng lưới bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt độ phủ mục tiêu. Chính phủ kỳ vọng đến năm 2025, 55% người hết tuổi lao động sẽ có lương hưu, nhưng con số hiện tại mới chỉ hơn 22%. Tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, nhóm không có lương hưu lại chiếm phần đông sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, theo GS Giang Thanh Long.
Ông dự báo nếu không tận dụng được giai đoạn còn lại của dân số vàng, Việt Nam sẽ càng khó khăn để tăng trưởng kinh tế nhanh trong "cơn bão" già hóa. Công dân thứ 100 triệu ra đời đặt quốc gia vào tình thế cấp bách hơn trong giải quyết các thách thức trước khi trở thành nước già vào năm 2036 - thời điểm tỷ lệ người trên 65 tuổi dự kiến vượt 14%.
"Thực tế không thể chối cãi là dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh, nhưng kinh tế lại chưa giàu. Phải giàu trước khi già, chúng ta mới có nguồn lực để xử lý những vấn đề của tương lai", GS Long kết luận.
Việt Đức - Hoàng Khánh - Thanh Hạ
Nguồn dữ liệu: Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Tổng cục Thống kê.