Thứ tư, 13/9/2023, 00:02 (GMT+7)

Bụng lâm râm đau báo hiệu cơn chuyển dạ, chị Võ Thị Tra (TP HCM) phóng xe máy gần 20 km đến bệnh viện, mang theo hai vali - một để đồ đi đẻ, một đầy ắp sách vở.

Năm 2012, chị Tra (hộ sinh, Bệnh viện Từ Dũ) cùng lúc đứng trước hai dấu mốc cuộc đời: có con, và thi đại học. Ở tuổi 30, chị khát khao làm mẹ, nhưng cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội có tấm bằng cử nhân - một bước tiến trong sự nghiệp. Tiếc suất học "không phải năm nào cũng được cơ quan cử đi", chị quyết ôn thi vào Đại học Y dược TP HCM dù đang mang bầu.

4 ngày trước kỳ thi, chị tự đi nhập viện. Người mẹ trẻ khi đó muốn sinh thường để nhanh hồi phục, nhưng chuyển dạ nửa chừng không thuận lợi, bác sĩ báo phải mổ.

"Không đau nào hơn đau đẻ. Đau kinh hoàng", chị tả tình cảnh khi phải trải qua cả nỗi đau sinh thường lẫn đẻ mổ.

Chị Võ Thị Tra (41 tuổi), Hộ sinh Phó khoa Nội soi tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), mê trẻ con, nhưng quyết định không sinh con thứ hai. Ảnh: Thanh Tùng

Mẹ tròn con vuông. Chị tay bồng con bú những giọt sữa non đầu đời, mắt vẫn ráng đọc tài liệu ôn bài, mặc đồng nghiệp can ngăn. Ba ngày sau sinh, người mẹ trẻ uống thuốc giảm đau, bước vào kỳ thi đại học khi vết mổ chưa khô miệng.

Đó là lần đầu, cũng là lần cuối chị sinh con. Dù làm việc ở nơi có hơn 200 em bé chào đời mỗi ngày, từ lâu, chị đã quyết sẽ dừng lại ở một đứa, bỏ qua lời kêu gọi "sinh đủ hai con" suốt hai thập kỷ của thành phố.

Chị Tra là điển hình cho một thế hệ phụ nữ TP HCM sau năm 2000 - nơi mỗi người sinh bình quân 1,24-1,68 con, thấp hơn 20-30% so với cả nước. Trong khi đó, mức sinh thay thế - tỷ lệ trung bình để duy trì ổn định quy mô dân số - là khoảng 2,1 con mỗi phụ nữ. Liên tục nhiều năm, nhà chức trách TP HCM bày tỏ lo lắng về một tương lai dân số sụt giảm, đồng nghĩa lực lượng lao động bị thu hẹp, kéo giảm đà tăng trưởng của "đầu tàu".

Kinh tế đi lên, mức sinh đi xuống là xu hướng xảy ra ở nhiều nước phát triển. Tại Hàn Quốc - quốc gia có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới (0,78 con/phụ nữ), trung tâm kinh tế Seoul là nơi có mức sinh "chót bảng" (0,59). Ở Trung Quốc, đất nước thi hành chính sách một con trong gần 40 năm, các siêu đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải đều có mức sinh chỉ khoảng 0,7.

Với TP HCM, khuynh hướng này đã kéo dài gần hai thập kỷ. Trừ 2017, liên tiếp 16 năm qua, đô thị 10 triệu dân đứng cuối bảng xếp hạng mức sinh của cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Sinh đủ hai con trở thành "cơn khát" của ngành dân số TP HCM trong thời gian dài, thay vì nỗ lực vận động người dân "dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt" như nhiều địa phương khác.

Năm 2020, lần đầu tiên mức sinh trở thành một chỉ tiêu trong nghị quyết nhiệm kỳ 5 năm của Đảng bộ thành phố. Mục tiêu đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh của TP HCM đạt 1,4 con/phụ nữ, và tăng lên 1,6 trong 5 năm tiếp đó.

Mỗi năm, TP HCM dành khoảng 700 triệu đồng cho các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về dân số như: treo băng rôn, làm phim tuyên truyền, tổ chức hội thảo... Tuy nhiên, giải pháp này không phát huy hiệu quả khi thành phố vẫn duy trì vị trí bét bảng về tỷ lệ sinh gần hai thập kỷ.

Những người phụ nữ như chị Tra có nhiều lý do để từ chối "giải" cơn khát trẻ sơ sinh cho thành phố.

Là con thứ 5 trong gia đình 7 chị em, chị Tra chứng kiến cuộc chuyển đổi giữa hai thế hệ - từ lớp cha mẹ chửa là đẻ, không có khái niệm về "kế hoạch hóa", quy mô gia đình giờ thu nhỏ lại ở 1-2 con - đảo ngược hoàn toàn so với xu hướng 20 năm trước. Trung tâm của thay đổi ấy nằm ở những người mẹ, người vợ.

Lớn lên trong giai đoạn phụ nữ được đóng khung với khẩu hiệu "giỏi việc nước, đảm việc nhà", chị Tra đi làm từ năm 13 tuổi, một mình lên Sài Gòn lập nghiệp khi 22, rồi trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Không giống mẹ - người bỏ mọi mong muốn riêng tư để chăm sóc 7 đứa con, chị có những kế hoạch riêng cho bản thân.

"Với tôi, gia đình là gia đình, sự nghiệp là sự nghiệp, phải thu xếp thật tốt song song chứ không thể cân nhắc, ưu tiên cái nào", người phụ nữ 41 tuổi nói.

Chị Tra đón con gái học lớp 6 sau buổi tựu trường đầu năm học và đưa về bệnh viện, chờ mẹ tới tối để đưa về nhà tại huyện Bình Chánh, cách chỗ làm 20 km. Ảnh: Thanh Tùng

Khi con gái ba tháng tuổi, chị Tra nhận thông báo đậu đại học. Một tháng sau, chị kết thúc sớm kỳ nghỉ thai sản, quay trở lại công việc. Từ đây, người phụ nữ 30 tuổi bắt đầu hành trình "3 đảm nhiệm": vừa làm mẹ, vừa là sinh viên, vừa hộ sinh tại bệnh viện.

Giống như 9 tháng mang thai, chị hầu như làm mọi thứ một mình. Chồng là bộ đội, đóng quân ở Đồng Tháp, 3-4 tháng mới về nhà một lần. Ông bà nội ngoại đều ở Bến Tre, cách TP HCM 3 tiếng đi xe, và đặc biệt không thích lên thành phố, chỉ ở tối đa được một tuần.

Đến giờ, chị vẫn chưa nguôi ám ảnh những tháng ngày loay hoay tìm cách gửi con cho người thân, hàng xóm, hoặc bồng bé đến bệnh viện cùng trực đêm. Khi con học mẫu giáo, chị trả thêm tiền để cô giáo trường tư trông đến 9-10 giờ tối - khi chị kết thúc công việc thứ hai tại phòng mạch sau ca trực ở bệnh viện. Con vào cấp 1 rồi cấp 2, chị đều chọn trường gần chỗ làm để tiện đưa đón.

Đều đặn 5h45, hai mẹ con ra khỏi nhà. Dù rất thích món nước như bún, phở, bé chỉ có thể ăn vội bữa sáng sau lưng mẹ trên đường di chuyển, khi thì xôi, lúc bánh ướt, há cảo... Ngoài giờ lên lớp, hầu hết thời gian con chị ở bệnh viện, tự tìm thú chơi riêng như đọc sách, vẽ tranh, chờ mẹ đến tối mới được về nhà.

Chứng kiến nhiều bà bầu đến khám thai, sinh nở mỗi ngày, con gái thỉnh thoảng mong có em chơi cùng, chị Tra từng dao động. Thế nhưng, suy nghĩ này nhanh chóng bị dập tắt sau 11 giờ làm việc mỗi ngày, cùng 2-3 tiếng di chuyển trên đường.

"Mình thấy tội nghiệp con vì không có đủ thời gian dành cho bé. Giờ đẻ thêm đứa nữa càng tội, nên thôi", chị nói về nỗi day dứt suốt 12 năm làm mẹ.

Kết hôn muộn và sinh ít con đang là xu hướng, theo Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM Phạm Chánh Trung. Đây là một phần kết quả của chính sách kế hoạch hóa kéo dài trước đây và sự thay đổi trong quan niệm về lập gia đình.

Tuổi kết hôn lần đầu bình quân tại TP HCM hiện là 29,8 - cao kỷ lục tại Việt Nam, và nhiều hơn gần 3 tuổi so với trung bình cả nước. Thành phố cũng đứng đầu bảng về tỷ lệ độc thân - 36% người trưởng thành ở thành phố chưa lập gia đình, trong khi con số bình quân cả nước là 24%.

Ông Trung phân tích có hai nhóm nguyên nhân khiến mức sinh TP HCM giảm: các cặp vợ chồng không muốn, hoặc không dám sinh thêm con.

Nhóm đầu tiên nhiều nỗi lo về gánh nặng gia đình, môi trường sống, điều kiện y tế, giáo dục, và đặc biệt là cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân. Hơn 83% người lao động tại TP HCM làm việc trên 40 giờ mỗi tuần, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là gần 72%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Hệ quả là quãng thời gian để nghỉ ngơi, dành cho gia đình quá ít ỏi.

Đơn cử, chị Tra hiện là Hộ sinh Phó khoa nội soi ở bệnh viện sản lớn nhất phía Nam và làm thêm tại một phòng khám, dành 11 giờ làm việc mỗi ngày. Thu nhập bình quân hai vợ chồng 30 triệu đồng mỗi tháng và đã có nhà riêng. Với nữ hộ sinh này, thứ chị thiếu không phải tiền, mà là thời gian chăm con.

Nhà ở huyện Bình Chánh, cách Bệnh viện Từ Dũ gần 20 km, nên hai mẹ con thường xuyên ăn trưa ngay tại bệnh viện thay vì về nhà. Ảnh: Thanh Tùng

Còn nhóm muốn nhưng không dám sinh, áp lực lớn nhất là kinh tế. Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ quá đắt đỏ khiến họ không mặn mà đẻ nhiều con. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động tại TP HCM là 9,1 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi, một gia đình có hai con nhỏ cần ít nhất 12 triệu đồng mỗi tháng để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu, theo tính toán của Liên minh Lương đủ sống (trước đại dịch năm 2020).

Ngoài ra, mức độ đô thị hóa cao cũng dẫn đến mức sinh thấp của TP HCM - nơi gần 80% người dân sống ở khu vực thành thị. Các kết quả điều tra dân số đều chỉ ra gia đình ở nông thôn có xu hướng sinh nhiều con hơn. Để so sánh, Hà Nội có tỷ lệ dân cư phân bố đồng đều ở thành thị và nông thôn (50-50), nên tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ - gấp rưỡi TP HCM.

Mức sinh thấp khiến TP HCM có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trong nhóm 1/3 địa phương xếp từ dưới lên. Nhưng điều này được bù đắp bằng tỷ lệ di cư thuần - chênh lệch giữa nhập cư và xuất cư - nằm trong top 5 cả nước.

TP HCM là điển hình cho nghịch lý dân số ở các đô thị lớn: Tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước, nhưng mật độ dân số thuộc hàng cao nhất. Cứ sau mỗi 5 năm, trung tâm kinh tế phía Nam lại có thêm gần một triệu người - tương đương dân số tỉnh Bình Phước. Siêu đô thị này chẳng những không thiếu dân, mà còn đang đối mặt tình trạng quá tải.

"TP HCM là thỏi nam châm thu hút người nhập cư", GS.TS Giang Thanh Long (giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân), chuyên gia về dân số và phát triển nói.

Mức sinh thấp của TP HCM được bù đắp bởi tỷ lệ sinh cao ở những nơi khác nhờ dòng người di cư. Do đó, đô thị này duy trì được nguồn lao động dồi dào. Bình quân cứ mỗi 100 cư dân sống tại thành phố, 75 người trong độ tuổi làm việc (15-64), cao hơn tỷ lệ 68% trên toàn quốc, theo kết quả tổng điều tra dân số gần nhất năm 2019.

Sản phụ chờ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Trung bình mỗi ngày có 200-300 đứa trẻ ra đời tại đây. Ảnh: Thanh Tùng

Với mật độ dân số gấp 15 lần cả nước, gần 4.500 người mỗi km2, hạ tầng TP HCM quá tải về nhiều mặt. Mỗi km2 chỉ có 2,26 km đường giao thông, bằng 1/5 so với quy chuẩn. Dân cư đông kéo theo áp lực về nơi ở. Diện tích nhà ở bình quân đầu người chưa đến 22 m2, thấp hơn 5 m2 so với trung bình toàn quốc.

Cùng với không gian di chuyển, sinh sống hạn hẹp, hạ tầng để chăm sóc và nuôi dạy trẻ cũng là vấn đề. Sĩ số học sinh tiểu học bình quân tại TP HCM hiện là 39,4 em mỗi lớp, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Giả sử, tỷ lệ sinh của TP HCM tăng lên ngưỡng thay thế là 2,1 con/phụ nữ, đồng nghĩa số trẻ em sinh ra hàng năm ít nhất phải gấp rưỡi hiện tại. Khi đó, nếu thành phố không chuẩn bị trường học để bổ sung, sĩ số bình quân có thể lên tới 60 học sinh mỗi lớp.

Thực tế trên đẩy siêu đô thị TP HCM vào thế khó: vừa muốn khuyến sinh, vừa phải giải bài toán quá tải.

"Tăng mức sinh chưa phải vấn đề quá cấp thiết với TP HCM", GS Long nêu quan điểm. Thay vào đó, thành phố nên dành nguồn lực để giải tỏa áp lực hạ tầng, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu như đi lại, nhà ở, giáo dục cho người dân.

Ngược lại, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM Phạm Chánh Trung cho rằng thành phố phải sớm cải thiện mức sinh để giảm phụ thuộc vào lao động di cư.

"Nhiều địa phương đang cùng khát nhân lực trẻ để phát triển kinh tế", ông lý giải.

Ngoài TP HCM, 24 địa phương trên cả nước, chủ yếu là các tỉnh Đông Nam Bộ (trừ Bình Phước) và đồng bằng sông Cửu Long, cũng đang có mức sinh dưới ngưỡng thay thế. Nếu không có đủ nguồn lao động tại chỗ, TP HCM khó phát triển bền vững khi các tỉnh xung quanh cạnh tranh thu hút người nhập cư, theo ông Trung.

Chưa kể, người di cư khó tiếp cận về nhà ở, lại không có gia đình bên cạnh, nên hình thành tâm lý ngại sinh con. Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê, phụ nữ di cư bình quân sinh 1,54 con, còn nhóm không phải thay đổi nơi sống có 2,13 con. Điều này dẫn đến thực tế nơi nào có tỷ lệ lao động nhập cư càng cao, mức sinh lại càng thấp.

"Dân số thành phố đang già hóa nhanh", Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa Gia đình TP HCM Phạm Chánh Trung cảnh báo.

Mức sinh thấp kéo dài khiến TP HCM bắt đầu lọt vào nhóm nửa trên về chỉ số già hóa với tỷ lệ người già từ 60 tuổi trên tổng số trẻ em là 56%, trong khi ngưỡng chung của Việt Nam là 53%. Con số này khiến ngành y tế lo ngại về viễn cảnh số lượng người cao tuổi tăng nhanh, kéo theo áp lực lên hệ thống an sinh, y tế hiện chưa sẵn sàng thích ứng.

Theo ông Trung, ngành y tế đang chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng trong chính sách dân số. Thành phố sẽ dùng chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con, thay vì dừng ở vận động miệng như trước.

Trong Dự thảo về chính sách Dân số tại TP HCM đến năm 2030 dự kiến trình HĐND trong kỳ họp cuối năm nay, TP HCM đang nghiên cứu, lắng nghe phản hồi từ chuyên gia và người dân để đề xuất các giải pháp phù hợp cho những gia đình sinh đủ hai con, theo chủ trương được Bộ Y tế khuyến khích từ năm 2021.

Nếu được thông qua, dự kiến thành phố sẽ hỗ trợ các gia đình sinh con thứ hai bằng viện phí, gói mua nhà ở xã hội, thay đổi hình thức trông trẻ mầm non, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản. Số tiền khuyến sinh ước tính lên đến 50 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn nhiều con số 700 triệu đồng hiện nay, chủ yếu chi cho hoạt động truyền thông.

Dù đô thị 10 triệu dân sẵn sàng tăng thêm 70 lần ngân sách để khuyến sinh, TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP HCM, cho rằng vẫn chưa đủ. Trong khi đó, GS.TS Giang Thanh Long nhận định ngân sách của các siêu đô thị như TP HCM nên tập trung trước hết cho cải thiện hạ tầng, giáo dục, nhà ở, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

"Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ sẽ ngày càng đắt đỏ, chưa tính đến chi phí cơ hội về sự nghiệp, việc làm. Nếu hỗ trợ bằng tiền, liệu bao nhiêu cho đủ và ngân sách chúng ta có đáp ứng nổi?", GS Long nói.

Hai chuyên gia cùng dẫn chứng nhiều quốc gia phát triển đã thất bại trong đảo ngược xu hướng này.

Nhật Bản là một trong những nước khuyến sinh bằng tiền sớm nhất thế giới, từ năm 1972 - khi tỷ suất sinh rơi xuống ngưỡng 2,1 con/phụ nữ. Mức sinh chỉ nhích lên giai đoạn ngắn rồi lao dốc, hiện còn 1,3 con/phụ nữ. Tương tự, chính phủ Hàn Quốc ước tính chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua để khuyến khích phụ nữ sinh con, nhưng mức sinh vẫn thấp nhất thế giới - chưa đến 0,8 con/phụ nữ.

Theo ông Giang, chính sách khuyến sinh nên gắn với mục tiêu thực tế là duy trì mức hiện nay hoặc nhích lên nhẹ, chứ không phải tăng mạnh tỷ suất sinh trở lại mức thay thế. Ông khuyến nghị TP HCM không nên dừng ở khuyến khích sinh đủ 2 con, mà phải hỗ trợ nhiều hơn với các gia đình sinh con thứ 3.

"Một gia đình sinh con ra phải tính toán có đủ khả năng đầu tư cho đứa trẻ đến khi trưởng thành hay không. Chính sách hỗ trợ vì vậy phải liên tục, lâu dài, toàn diện, mới có thể phát huy tác dụng", ông nói. Chuyên gia cho rằng sự hỗ trợ của nhà nước phải bám theo cả quá trình từ mang thai, sinh con, chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con mới có thể thúc đẩy các cặp vợ chồng có thêm con.

Thiếu lao động sẽ là thực tế không thể tránh khỏi, do đó, ông cho rằng TP HCM cần có chính sách phù hợp thu hút người nhập cư, ưu tiên nhóm có tay nghề, trình độ cao, phù hợp với quy luật phát triển kinh tế tri thức.

Trong khi đó, Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP HCM Phạm Chánh Trung cảnh báo mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng cho "thế hệ con một" trong tương lai. Những đứa trẻ từng được bao bọc bởi cả gia đình nội ngoại, sẽ mang trách nhiệm gánh vác an sinh cho một xã hội siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.

"Mức sinh thấp là bài toán rất khó. Bài học con một của những quốc gia đi trước cho thấy TP HCM phải đón đầu già hóa dân số, mà trong đó sinh đủ hai con là một trong những biện pháp quan trọng nhất", người đứng đầu ngành dân số TP HCM đúc kết.

Mức sinh của TP HCM giảm ra sao?
 
 
Mức sinh của TP HCM giảm nhanh thế nào qua quy mô gia đình? Video: Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP HCM

Việt Đức - Lê Phương - Thu Hằng