Trung tâm Xử lý Nước Quốc gia của Thái Lan cho biết Bộ Thủy lợi Trung Quốc thông báo ngày 5/1 rằng đập Cảnh Hồng giảm tốc độ xả nước từ 1.904 m3/s xuống 1.000 m3/s, tức khoảng 47%, trong khoảng thời gian ngày 5-24/1 để "bảo trì các đường dây tải điện của lưới điện".
Ủy hội sông Mekong (MRC) cũng nhận được thông báo từ Trung Quốc cùng ngày và cho biết động thái của Trung Quốc "dẫn đến sự thay đổi mực nước sông Mekong qua Thái Lan, Lào và Campuchia". Trung Quốc đảm bảo dòng chảy "sẽ dần dần được khôi phục về trạng thái bình thường vào ngày 25/1" mà không nêu con số cụ thể.
MRC cho biết dù Trung Quốc thông báo bắt đầu giảm xả nước từ ngày 5/1, thực tế, họ đã phát hiện lưu lượng nước xả ra từ đập Cảnh Hồng giảm từ mức 1.410 m3/s ngày 31/12/2020 xuống 768 m3/s ngày 1/1/2021, tức gần 50%. Sau đó, nó tăng nhẹ lên 786 m3/s ngày 1-4/1. Động thái này khiến mực nước sông Mekong giảm khoảng 1,2 m, giao thông trên sông và đánh bắt cá có thể bị ảnh hưởng.
Trung Quốc đưa ra thông báo một ngày sau khi Dự án Giám sát Đập Mekong, được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần, viết trên mạng xã hội rằng Trung Quốc đã không thông báo cho các nước láng giềng khi đập Cảnh Hồng bắt đầu giảm xả nước vào ngày 31/12. Dự án Giám sát Đập Mekong sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh xuyên đám mây để theo dõi mức nước của các đập ở Trung Quốc và các nước khác.
Sông Mekong có tổng chiều dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Trung Quốc (Lan Thương là tên gọi của sông Mekong ở địa phận Trung Quốc) và chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, bảo đảm sinh kế cho gần 200 triệu người trong ngành nông nghiệp và thủy sản.
MRC và các nước thành viên nhiều lần kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin về dòng chảy của Lan Thương và quy trình hoạt động các đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong. Trung Quốc đang vận hành 11 đập thủy điện, được cho là giữ lại 47 tỷ m3 nước của Mekong. Trung Quốc đã đồng ý cung cấp dữ liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương cho MRC và 5 nước hạ nguồn, trong đó có Việt Nam, từ tháng 11 năm ngoái.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động của Bắc Kinh là một trong những nguyên nhân chính gây hạn hán ở hạ nguồn gần đây, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc này.
Phương Vũ (Theo Reuters)