"Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến đóng góp vào nỗ lực chung, hợp tác quản lý và sử dụng bền vững, công bằng, hợp lý nguồn nước sông Mekong", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam với việc Mỹ triển khai dự án giám sát đập Trung Quốc trên sông Mekong.
Dự án Giám sát Đập Mekong, được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần, sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh xuyên đám mây để theo dõi mức nước của các đập ở Trung Quốc và các nước khác. Thông tin mà dự án thu được sẽ công bố gần như theo thời gian thực từ ngày 15/12.
Một chỉ số riêng biệt về "độ ẩm bề mặt" của dự án sẽ cho biết phần nào mức ẩm hơn hay khô hơn bình thường, từ đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của các con đập tới dòng chảy tự nhiên.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu và hợp tác một cách phù hợp để có thể đóng góp hiệu quả trong sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong", bà Hằng cho biết thêm.
Trung Quốc và Mỹ đều có các cơ quan để hợp tác với các quốc gia sông Mekong là Hợp tác Mekong - Lan Thương và Quan hệ Đối tác Mỹ - Mekong. Trung Quốc đầu năm nay đã đồng ý chia sẻ dữ liệu về mực nước với Ủy hội sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Bắc Kinh từng chỉ trích các dự án nghiên cứu trước đây, bao gồm một nghiên cứu của Eyes on Earth, thuộc Dự án Giám sát Đập Mekong. Dự án này đã chỉ ra lượng nước trên sông Mekong bị chặn lại vào năm 2019 khi các nước khác phải chịu cảnh hạn hán.
Sông Mekong dài khoảng 4.350 km, chảy qua 6 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương. Đây được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, bảo đảm cuộc sống cho gần 200 triệu người trong ngành nông nghiệp và thủy sản.
Vũ Anh