Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp thông tin về mực nước và lượng mưa tại hai trạm thủy văn Doãn Cảnh Hồng và Mãn An, mỗi ngày hai lần vào sáng và tối, từ ngày 1/11, đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết trong thông cáo hôm nay.
Kế hoạch này được thực hiện sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố trong hội nghị trực tuyến lãnh đạo cấp cao hợp tác Lan Thương - Mekong lần thứ ba ngày 24/8 rằng Bắc Kinh sẽ chia sẻ với các quốc gia lưu vực sông Mekong dữ liệu thủy văn cả năm của sông Lan Thương.
"Việc cung cấp dữ liệu thủy văn được thực hiện trên nguyên tắc cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng hưởng lợi", thông cáo của đại sứ quán Trung Quốc cho biết.
Sông Lan Thương là tên gọi của sông Mekong ở địa phận Trung Quốc. Sông Mekong có tổng chiều dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Trung Quốc và chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Đây được coi là một trong những huyết mạch của Đông Nam Á, bảo đảm sinh kế cho gần 200 triệu người trong ngành nông nghiệp và thủy sản.
MRC và các nước thành viên nhiều lần kêu gọi Trung Quốc chia sẻ thông tin về dòng chảy của Lan Thương và quy trình hoạt động các đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong. Trung Quốc đang vận hành 11 đập thủy điện, được cho là giữ lại 47 tỷ mét khối nước của Mekong.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động của Bắc Kinh là một trong những nguyên nhân chính gây hạn hán ở hạ nguồn gần đây, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc này.
Hôm 22/10, MRC cho biết Trung Quốc chỉ chia sẻ dữ liệu nước trong mùa mưa từ tháng 6 tới tháng 10 với cơ quan này, để đưa ra cảnh báo lũ sớm. An Pich Hatda, giám đốc điều hành của MRC, đánh giá việc Trung Quốc ký thỏa thuận cam kết chia sẻ dữ liệu quanh năm về dòng chảy thuộc địa phận Trung Quốc là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hợp tác giữa hai bên.