VNExpress

Thứ hai, 2/12/2024
Chọn địa danh
Chủ nhật, 6/6/2021, 02:09 (GMT+7)

Mùa thu hoạch cói ở làng chiếu hơn 100 tuổi

Phú YênĐến làng chiếu cói Phú Tân (huyện Tuy An) dịp này, du khách sẽ thấy từ khâu thu hoạch cói tươi đến việc phơi, nhuộm, dệt thành chiếu.

Nhiếp ảnh gia Lê Chí Trung (32 tuổi) hiện công tác tại UBND phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, là tác giả bộ ảnh mùa thu hoạch cói Phú Tân. Anh Trung cho biết, làng chiếu cói Phú Tân có truyền thống trên 100 năm, mùa thu hoạch cói nơi đây diễn ra nhộn nhịp từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Sản phẩm chiếu từ nguyên liệu cói ở Phú Tân không chỉ nổi tiếng ở Phú Yên, thị trường miền Trung mà còn lan khắp cả nước.

Trên hình là bước chân trẻ nhỏ giữa đồng cói xanh mướt ở Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa, Phú Yên khoảng 30 km.

Vào mùa thu hoạch, từng nhóm dân đi gặt cói và cột thành từng bó cói qua góc nhìn nhiếp ảnh lại trở thành hình ảnh lao động đẹp.

Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân hiện có khoảng 20 ha trồng cói sẵn có tại địa phương, phần nào giảm diện tích so với các năm trước (25 ha) do người dân chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu, bò.

Người dân sau khi gặt thì giũ cói cho thẳng.“Thu hoạch cói khá vất vả, nông dân thường làm dưới trời nắng gắt, nhưng vì cuộc sống gia đình nên họ làm cần mẫn kiếm thêm thu nhập”, anh Chí Trung nói.

Các bó cói chất đống chuẩn bị vận chuyển về làng.

Chị Nguyễn Thị Minh Phương, một trong những hộ sản xuất chiếu cói lớn nhất ở Phú Tân, cho biết cơ sở của gia đình chị tạo việc làm cho trên 30 lao động ở các khâu khác nhau. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ giảm gần đây, nhưng gia đình vẫn cố gắng duy trì thuê lao động và thu mua nguyên liệu cói của bà con.

Cũng giống như các nơi khác, cói trải qua các công đoạn như gặt, giũ, vận chuyển, chẻ, phơi, nhuộm, làm sợi và dệt mới thành chiếu. Đặc biệt tại cánh đồng cói Phú Tân, ở giai đoạn vận chuyển, người dân còn kết hợp cách thức kết các bó cói thành bè để kéo về trên lạch nước thay vì phải gánh hay vác.

Bức họa đồng cói đẹp như tranh với các bè cói được kéo trên sông. Để có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, bình quân mỗi tháng làng nghề cần từ 25 đến 30 tấn cói nguyên liệu.

Xe cơ giới vận chuyển cói về làng ngang qua cánh đồng lúa chín vàng. Anh Trung chia sẻ ngày nay có nhiều loại chiếu làm bằng những nguyên liệu khác nhau nhưng chiếu cói Phú Tân vẫn giữ được người dân ưa chuộng bởi độ bền và mềm.

“Hoa cói” tỏa tròn đang được phơi dưới nắng hè trông như một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.

“Sau một tháng hòa cùng nhịp sống bà con tại làng nghề chiếu cói, tôi thích thú trước vẻ đẹp yên bình của cánh đồng cói, con người hiền lành, thân thiện, lao động tuy vất vả nhưng vẫn luôn lạc quan. Đặc biệt là văn hóa lao động, sinh hoạt mang tính cộng đồng, giúp kết nối các thành viên trong gia đình và giữa các hộ trong làng với nhau”, anh Trung chia sẻ quá trình sáng tác.

Nhuộm cói là công đoạn quan trọng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm. Sợi cói phải được nhúng đều vào nước nhuộm để giữ được màu tươi lâu.

Cói thu hoạch được đem phơi, bó lại từng bó rồi mới đem nhuộm. Sau khi nhuộm tiếp tục phơi, trước khi dệt.

Sắc màu những tấm chiếu thành phẩm.

Làng chiếu cói Phú Tân hiện có 5 cơ sở đầu tư máy dệt chiếu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập mỗi tháng từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người. Một cặp chiếu dệt thủ công giá 50.000 - 60.000 đồng, trong khi đó chiếu dệt máy giá 130.000 - 160.000 đồng mỗi cặp.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net