Mua nhà, mua đất có thể chọn giá cả phù hợp, kiểm tra sổ đỏ nhưng ít ai nghĩ tới chuyện lựa hàng xóm. Đây cũng là nỗi khổ của một số người trong bài viết Khổ vì sống cạnh hàng xóm xấu tính. Nhiều độc giả VnExpress quan tâm bình luận vấn đề này.
Độc giả nickname Jemisha kể dọn từ nhà phố lên chung cư vẫn gặp những hàng xóm xấu tính:
"Có trải nghiệm hàng xóm tọc mạch, kèn cựa, lấn chiếm, phá hoại ai ở trong khu phố cổ đất chật người đông mới thấm thía. Tôi từng ở cạnh một 'gia đình Chí Phèo'. Vợ chồng con cái đánh chửi nhau như quân thù, thường xuyên quỵt tiền xe ôm, taxi, tài xế phải đuổi tìm khắp ngõ. Họ cướp hết phần diện tích đất chung, chôm chỉa đồ của hàng xóm, nhưng hễ nhà tôi xây sửa gì là họ đi kiện.
Từ khi chuyển sang ở chung cư nhà nào biết nhà nấy, sướng hơn nhưng cũng không phải không có vấn đề. Vẫn có những thành phần mang đồ đạc ra chất đầy cầu thang bộ hoặc đậu xe ngang ngược.
Nói thật, không phải tôi sùng Tây đâu chứ cách quy hoạch, tiêu chuẩn nhà ở của họ đi trước ta cả trăm năm. Nhà ở có sân trước sân sau, hàng xóm cách xa ít nhất vài mét mới sống được. Nhà kiểu shophouse, liền kề, nhà ống, chung cư mà vô phúc vớ phải hàng xóm thớ lợ thì cũng không hưởng thụ được".
Gặp cảnh tồi tệ vì hàng xóm xấu tính, độc giả Van Phi Trịnh chia sẻ đã bán nhà để đi chỗ khác:
"Nói thẳng là nếu xui mua nhà gặp phải ông hàng xóm xấu tính rồi thì bó tay, có góp ý hoặc hòa giải cũng chỉ được thời gian rồi đâu lại vào đó. Bởi vì bản chất đố kỵ, xấu tính không thể thay đổi được.
Tôi đã gặp trường hợp này rồi rất mệt mỏi, ức chế, giải pháp tốt là bán nhà đi chỗ khác".
Bên cạnh đó, không phải hàng xóm nào cũng khó chịu, tọc mạch hay xấu tính. Độc giả Lê Văn Liêm nhớ lại:
"Tôi có nhiều trải nghiệm vui và không vui về hàng xóm. Hồi năm 1998 vợ chồng tôi lên Hà Nội thuê căn nhà tập thể ở Hà Đông. Nhà rộng, có gác xép nên vợ tôi cùng mấy đứa em nhận may gia công tại nhà.
Cộng cả hai vợ chồng, hai đứa con, vài đứa em là gần chục người, ăn ở ồn ào, tiếng máy may ầm ỹ có hôm đến nửa đêm mà hàng xóm không ai nói gì. Các cô chú nhà bên còn thi thoảng qua chơi cho con tôi quà, động viên vợ tôi "đừng làm cố quá ảnh hưởng sức khỏe".
Đặc biệt nhà kế bên có đôi vợ chồng già, cô là cán bộ tòa án, bị stress dẫn tới bệnh thần kinh, khó ngủ, chú nhà cô là giảng viên một học viện gần đó. Hoàn cảnh là vậy mà chưa bao giờ cô chú than phiền nhà tôi làm ồn làm phiền.
Sau này chuyển đi nhà khác cũng gần đó, chúng tôi bị hàng xóm liên tục nhắc nhở về tiếng ồn máy may. Vợ tôi bất giác so sánh với hàng xóm nhà cũ. Tôi mới nghiệm ra, những hàng xóm cũ nhà tôi là những ân nhân của mình. Họ thương vợ chồng tôi nghèo, chăm chỉ lao động nên họ chịu đựng và không ca thán.
Đặc biệt, tới giờ tôi vẫn dành sự cảm phục và biết ơn với cô chú nhà bên, dù bệnh tật cần nghỉ ngơi nhưng chưa một lời trách móc hoặc nhắc nhở gì về sự phiền toái mà chúng tôi gây nên. Những hàng xóm đó, tôi biết ơn họ rất nhiều".
Độc giả Yên gợi ý giải pháp:
"Bán anh em xa mua láng giềng gần. Nhún nhường một chút, xởi lởi một chút, tránh va chạm và ngồi lê buôn chuyện linh tinh, thỉnh thoảng cũng phải cho thấy mình không phải người dễ bị bắt nạt thì sẽ đỡ được nhiều việc nhức đầu".
Độc giả lehoangduong tiếp lời:
"Khi chuyển sang nơi ở mới, chúng nên chủ động chạy sang nhà hàng xóm chào hỏi, có thể mua một món quả nhỏ nhỏ (trái cây, hộp bánh) chạy sang hỏi thăm và làm quen. Đi ra đi vào gặp nhau thì nhanh nhảu chào hỏi trước.
Nhà có công việc ảnh hưởng tới hàng xóm như: Xây sửa nhà cửa, tốt nhất nên sang thưa chuyện tiện thể nhờ vả một số việc... nói chung cần phải cho đi trước khi nhận về, cần phải mở lòng trước khi đón nhận".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.