Sai lầm này lập tức khiến gia đình người phụ nữ 35 tuổi ở Hà Nội phải trả giá. Khi Thảo đào móng chuẩn bị xây nhà, hàng xóm bắt đầu gây rắc rối. Đầu tiên họ tố cáo nhà cô lấn chiếm, dù xây dựng theo chỉ giới trên sổ đỏ. Tiếp đó Thảo bị kiện lên phường với cáo buộc đào móng gây nứt tường nhà bên cạnh, dù nhìn qua ai cũng biết vết nứt có từ rất lâu. Công trình bị đình trệ cả tháng.
Vấn đề được giải quyết, ngôi nhà được phép xây dựng lại nhưng ngày nào vợ chồng Thảo cũng bị hàng xóm sang mắng mỏ vì ồn ào, bụi bẩn dù có bạt che chắn. Đến khi trát mặt sau tường giáp ranh, Thảo sang xin phép lắp giàn giáo nhưng bị dọa "Cứ bước sang là chặt chân". Cuối cùng, cô buộc phải chọn giải pháp ốp phía trong chống thấm, chấp nhận đội thêm chi phí.
Tưởng xây xong, ai ở nhà đó là yên ổn nhưng mối quan hệ giữa hai nhà không hết căng thẳng. Quét ngõ, một nửa họ hốt, một nửa hất sang cổng nhà cô. Sau này Thảo lắp camera, bắt quả tang vài lần mới không bị hắt nữa. Nhưng hàng xóm lại chuyển sang chiêu đốt lá trong vườn để khói theo gió ngập nhà cô, ai cũng khó thở.
"Mấy hôm trước tôi mang xô nước hắt sang đống lá đang đốt, họ đòi kiện tôi phá hoại tài sản", Thảo nói. Vì việc này mà hai gia đình năm lần bảy lượt phải gặp tổ trưởng hòa giải, nhưng được vài bữa, đâu lại hoàn đó.
Đã ba năm, Phương Thảo vẫn không hiểu vì sao hàng xóm cay nghiệt như vậy.
Hàng xóm là nỗi sợ hãi lẫn khó chịu của Vũ Hà ở Thủ Đức, TP HCM. Gia đình anh thường bị săm soi, nói bóng gió là "dân ngụ cư" bởi đa phần xung quanh là người gốc địa phương.
Khi gia đình có việc, tụ tập đông người sẽ có người qua lại ngó nghiêng. Nhà đối diện mở hàng quán, dậy từ 3h làm việc, ầm ĩ nói cười không sao nhưng con Hà ốm, khóc đêm 1-2 hôm, hàng xóm sang tận nhà phản ánh. Những câu bình phẩm kiểu như "Trẻ mà có ôtô đẹp, không biết buôn gian bán lận gì không"; "Con đầu lớn rồi mà chưa đẻ tiếp, có khi nhà đó tịt" khiến anh rất stress.
"Người ta bảo tình làng nghĩa xóm, nhưng tôi chẳng thấy được tình nghĩa gì ở hàng xóm xung quanh đây", anh than thở.
Văn hóa và tập quán sống quây quần, đề cao ý thức, tình cảm cộng đồng được cho là nét đẹp của người Việt nhưng cũng là nguồn cơn của rất nhiều mâu thuẫn cá nhân bởi những va chạm trong đời sống hàng ngày. Ví dụ, thống kê của một phường ở quận Gò Vấp (TP HCM) trong năm 2022, 83% tin báo về các vụ việc mất trật tự công cộng là mâu thuẫn liên quan đến sinh hoạt thường ngày của dân cư (hát karaoke, tổ chức ăn uống gây ồn ào, thả rông chó mèo, các vấn đề về giữ vệ sinh môi trường, trật tự đô thị). Tỷ lệ này của 5 tháng đầu năm 2023 là 90%.
Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng cho biết, trong quý I năm 2023, cả nước xảy ra gần 5.500 vụ việc mâu thuẫn với gần 11.000 người liên quan, trong đó gần 2.200 vụ là mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn ngoài xã hội hơn 3.300 vụ.
Trong khảo sát độc giả của VnExpress với câu hỏi "Nếu hàng xóm xấu tính ảnh hưởng tới cuộc sống, bạn sẽ xử lý thế nào?", 13% đồng ý phương án góp ý nhẹ nhàng, 58% báo chính quyền và 21% muốn chuyển đi nơi khác.
Gia đình Phương Thảo thuộc nhóm muốn chuyển đến nơi khác vì không thể dung hòa với hàng xóm. Rút kinh nghiệm, đợt mua nhà lần này hai vợ chồng cô tìm hiểu kỹ về hàng xóm. Khi biết họ đều là dân trí thức, lịch thiệp không can dự vào gia đình người khác, cô thấy thoải mái hẳn.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như gia đình Thảo để chuyển nhà khi gặp mâu thuẫn với hàng xóm. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM, một khi mâu thuẫn hàng xóm láng giềng nổ ra, việc cùng nhau giải quyết là phương pháp hữu hiệu nhất.
"Nếu sang chỗ ở mới mà lại gặp đúng những khúc mắc này, chẳng nhẽ lại tiếp tục chuyển nhà?", bà Minh đặt câu hỏi. Theo bà, khi xuất hiện mâu thuẫn, nếu bỏ qua sẽ dần tích tụ thành xung đột lớn nên giải quyết xung đột ngay khi mới phát sinh là biện pháp tốt nhất. Chỉ nghĩ đến phương án chuyển nhà khi đã dùng tất cả biện pháp giải quyết xung đột nhưng không thành công, khiến cuộc sống riêng bế tắc và mệt mỏi.
Để giải quyết mâu thuẫn với hàng xóm, nữ chuyên gia khuyên phải biết cách kiềm chế, bởi sự nóng giận luôn có nguy cơ khiến xung đột trở nên tồi tệ hơn. Khi giải quyết có thể thông qua đối thoại trực tiếp với đối phương. Nếu thất bại, cần tìm sự hòa giải từ người có sức ảnh hưởng lớn, nhận được sự tôn trọng như người cao tuổi, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ để hai bên dần quay lại mối quan hệ bình thường.
Theo bà Minh, trong tâm lý học gọi đây là nguyên tắc "sát đối tượng", khi một người muốn tác động đến người khác phải thể hiện được sự tôn trọng, nể phục từ đối phương.
Trường hợp hàng xóm cố tình gây hấn, không muốn hòa giải, nên lưu lại video, bằng chứng và trình báo lên cấp cao hơn, tránh việc đôi co qua lại dễ xảy ra xô xát, thậm chí phát sinh những sự việc đáng tiếc.
"Nếu kết thân được với hàng xóm là tốt nhất", nữ chuyên gia khuyên. Theo bà, khi chuyển đến nơi ở mới cần có buổi gặp gỡ giới thiệu, chủ động làm quen. Trình bày rõ hoàn cảnh để mọi người cùng hiểu nhau và có thể nhận được giúp đỡ khi cần thiết.
Tuy nhiên việc kết thân phải có giới hạn vì dù sao đó cũng là mối quan hệ người dưng, không bao gồm tính trách nhiệm. Theo đó, không nên tiết lộ các bí mật của bản thân và gia đình với hàng xóm và không để họ xâm phạm vào đời tư của mình. Bởi nếu một ngày mối quan hệ đôi bên xấu đi, lúc đó những bí mật từng được tiết lộ sẽ quay lại "phản chủ".
Cùng quan điểm, chuyên gia Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, khi sống trong cộng đồng, chỉ có sự tận tình và chan hòa, sống thượng tôn pháp luật, sống chịu thiệt một chút mới cảm hóa được người khác. Theo ông, ứng xử cần thiết với tất cả mọi người là tự do của chính mình không được xâm hại tự do của bất kỳ ai.
"Mình mở lòng với tình với nghĩa thì mọi người cũng đối với mình như vậy", ông Vĩ nói.
Trước đây, việc tìm cách đối phó với nhà hàng xóm khiến Hà luôn mệt mỏi. Sau đó, tiện quét cổng nhà mình, anh quét luôn ngõ mỗi sáng coi như cách tập thể dục. Lâu dần, ai trong xóm cũng nhìn thấy, rồi họ chung tay dọn dẹp. Thấy ngõ xóm sạch đẹp, nhà có chó cũng không dám để vật nuôi phóng uế bừa bãi nữa.
Từ đó, Hà chủ động chào hỏi, trò chuyện với hàng xóm nhiều hơn. Những người "khó ưa" ngày trước dần trở nên thân thiện, cởi mở. Người đàn ông này ngẫm ra, nếu biết mở lòng quan tâm tới nhau, tình cảm láng giềng sẽ luôn vui vẻ.
Hải Hiền