Chiều 7/9, bất chấp cơn mưa lớn, khoảng 400 khán giả có mặt tại Nhà thiếu nhi quận 10, TP HCM tham dự ngày khai trương địa điểm mới của sân khấu kịch Ái Như - Thành Hội. Buổi khai trương này có ý nghĩa không chỉ với hai nghệ sĩ mà với tất cả những ai yêu quý họ suốt thời gian dài.
Từ năm 2009, Ái Như - Thành Hội ra mắt sân khấu riêng, đặt tên là Hoàng Thái Thanh (lấy theo nghệ danh chung của cả hai). Sân khấu có trụ sở nằm trong khuôn viên Nhà thiếu nhi TP HCM. Điểm diễn ở quận 3, vị trí trung tâm thành phố, khá thuận lợi để khán giả các nơi về thưởng thức kịch mục. Trong 5 năm, sân khấu gầy dựng được gần 30 tác phẩm với nội dung luôn mang chất triết lý nhẹ nhàng, sâu sắc, nhân văn và không kém phần hài hước. Các vở diễn ở đây đều để lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ cho người xem về những vấn đề trăn trở của gia đình, cuộc sống và xã hội.
Khi sân khấu đang trên đà phát triển ổn định, lượng khán giả và fan riêng dần hình thành thói quen đến Nhà thiếu nhi TP HCM xem kịch, thì theo quy hoạch chung của thành phố, cuối năm 2014, nơi này được đập đi để xây mới hoàn toàn. Thông tin này khiến Ái Như - Thành Hội mất ăn, mất ngủ. Trên tinh thần là sau hai năm, khi công trình xây xong, Hoàng Thái Thanh vẫn được quay trở lại đây. "Nhưng số phận của chúng tôi tồn tại thế nào trong hai năm tới...", đó là câu hỏi tưởng như không có lời đáp của Ái Như.
Đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, suốt nhiều tháng, Ái Như - Thành Hội cùng đi tìm nhà mới cho đoàn kịch. Tại buổi khai trương, đoàn kịch dành thời gian để chia sẻ với khán giả nỗi khó khăn này. Trong suốt nhiều tháng trời, đôi bạn nghệ sĩ gần như sục sạo mọi ngóc ngách ở TP HCM tìm nơi "an cư".
"Có những chỗ rất đẹp nhưng điều kiện hoạt động lại không phù hợp với một sân khấu kịch. Có nơi được cái này thì thiếu cái khác. Đến khi tưởng như vô phương thì chúng tôi nhận được lời mời từ ban giám đốc Nhà thiếu nhi quận 10. Thành viên ban giám đốc này đều là những người còn trẻ, họ rất năng động và kịp thời dành cho chúng tôi sự ủng hộ nhiệt tình, hợp tác chân thành. Nhờ vậy mà ngày hôm nay chúng tôi mới có thể đứng ở đây", nam nghệ sĩ kể.
Còn Ái Như bày tỏ: "Tôi xin cám ơn chồng tôi và các con tôi, cám ơn vợ anh Thành Hội cũng là chị họ của tôi. Hai gia đình phải chịu rất nhiều khó khăn, áp lực để sát cánh chia sẻ với chúng tôi buồn vui, thất bại và cả những tai tiếng nữa...", Ái Như nghẹn ngào trong khi Nghệ sĩ Thành Hội đứng bên cạnh liên tục nhắc: "Không khóc, không được khóc".
Nghệ sĩ trẻ Hoàng Vân Anh, một trong số diễn viên của đoàn kịch ở đây bộc bạch, nhìn cảnh thầy cô của mình tất bật đến quên ăn quên ngủ để tìm điểm diễn cho đến khi kiệt sức phải nằm truyền nước, cô chỉ còn biết cách phải ráng hết sức rèn nghề để không phụ nỗ lực của thầy cô mình.
Nhiều khán giả có mặt cùng lên tiếng bày tỏ tình cảm họ dành cho sân khấu kịch. Một nữ khán giả cho biết: "Ở tuổi tôi, tôi nói với các con mình rằng, trước đây tôi xem kịch Kim Cương - Thẩm Thúy Hằng giờ thì tôi thích xem kịch Ái Như - Thành Hội. Hôm nay, thấy điểm diễn mới này khang trang, ấm cúng tôi rất vui mừng".
Bà Bích Thọ, 68 tuổi, nhận mình là "fan cuồng" của đôi nghệ sĩ. Nữ khán giả này là một trong những người xem trung thành của Hoàng Thái Thanh. Khi đoàn kịch còn ở điểm diễn cũ, mọi người thường thấy bà mua vé đều đặn với số ghế ngồi quen thuộc là B19. "Tôi yêu Ái Như - Thành Hội gần 30 năm qua. Với riêng tôi, họ diễn chỗ nào thì ở đó là thánh đường nghệ thuật. Tôi mong hai vị hãy dũng cảm để trụ lại được với thánh đường mà các vị đang theo đuổi. Những gì các vị đang dựng trên sân khấu nói về lễ, trí, tín, nghĩa những điều mà người lớn tuổi chúng tôi trân trọng. Qua điểm diễn mới này, tôi chọn số ghế D6 để dành xem những tác phẩm ở đây. Chắc chắn chiếc ghế này luôn được tôi đặt chỗ cho đến khi nào tôi 100 tuổi thì thôi", nữ khán giả cao tuổi nhận được tràng pháo tay không dứt sau lời tâm sự của bà.
Để mở màn cho sân khấu mới, Ái Như - Thành Hội quyết định chọn công diễn vở kịch Đêm thiên nga. Vở này do cả hai phóng tác từ Khúc hát thiên nga - vở kịch một màn của đại văn hào Anton P. Chekhov (Nga).
"Với tôi, việc ra mắt Đêm thiên nga còn là kỷ niệm dành cho Nghệ sĩ Ưu tú Thành Hội, người đàn anh mà tôi chịu nhiều ảnh hưởng trong sự nghiệp. Năm nay đánh dấu 30 năm anh Thành Hội theo nghề, tròn 25 năm chúng tôi đồng hành với nhau trong chặng đường nghệ thuật, chia sẻ với nhau từng vai diễn, niềm vui, nỗi buồn trên sân khấu", Ái Như nói.
15 năm trước, Ái Như - Thành Hội phóng tác và dàn dựng Khúc hát thiên nga với phiên bản mang tên Bóng thiên nga. Đây là tác phẩm sân khấu từng khiến cả hai nghệ sĩ rung động từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Những cảm xúc đầy nhân văn về cuộc đời người nghệ sĩ, về sân khấu, về nghệ thuật được gửi gắm trọn vẹn trong vở diễn chỉ có hai nhân vật và một bối cảnh.
Cả hai rất đắn đo khi dựng lại vở diễn này vì nỗi e ngại làm dòng kịch kén khán giả mà họ đang theo đuổi đã lỗ vốn lại càng lỗ vốn hơn. Nhưng Đêm thiên nga là câu chuyện về thân phận, tấm lòng người nghệ sĩ, gửi đến công chúng nét đẹp thiêng liêng, lung linh của nghệ thuật. Chính vì thế, Hoàng Thái Thanh dành vở diễn để tặng mọi người.
Dành trọn buổi chiều cuối tuần thưởng thức tác phẩm sân khấu, diễn viên Hồng Ánh chia sẻ, việc dựng vở Đêm thiên nga trong bối cảnh sân khấu hiện nay là sự dũng cảm trong hành trình nghệ thuật của Ái Như - Thành Hội. "Tôi hy vọng khán giả đồng cảm được với vở diễn rất sâu sắc này và đến với sân khấu chúng tôi nhiều hơn...", chị nói.
Thoại Hà