Bộ Quốc phòng Indonesia cuối tuần trước ký hợp đồng trị giá 13,9 tỷ USD mua 36 tiêm kích hạng nặng F-15 của Mỹ, sau khi thông báo hủy thương vụ Su-35S với Nga hồi tháng 12/2021. Chưa rõ Indonesia sẽ mua biến thể F-15 nào, song một số nguồn tin cho biết họ sẽ chọn mẫu F-15EX đang được không quân Mỹ đặt mua.
Theo Tufail Bakshi, bình luận viên chuyên trang quân sự Military Cognizance, với hợp đồng này, Indonesia sẽ phải chi 386 triệu USD cho mỗi chiếc F-15, đắt gấp gần 5 lần so với khoản tiền 78 triệu USD cho mỗi tiêm kích Su-35 nếu mua cùng số lượng.
Với 13,9 tỷ USD, Indonesia có thể mua tới 180 chiếc Su-35 và sở hữu phi đội tiêm kích loại này lớn nhất thế giới, thậm chí nhiều hơn tổng số tiêm kích S-35 đã xuất xưởng.

Nguyên mẫu tiêm kích F-15EX bay bay thử nghiệm trên sân bay ở bang Missouri, Mỹ tháng 2/2021. Ảnh:
Đối với không quân Indonesia, Su-35 và F-15 là lựa chọn tương đương nếu được bán cùng điều kiện. F-15 có thể tương tác tốt hơn với các dòng tiêm kích phương Tây khác như F-16C/D trong biên chế không quân Indonesia. Nếu mua Su-35S, Indonesia có thể tận dụng phần lớn cơ sở bảo trì cùng vũ khí của tiêm kích Su-27 và Su-30MK2 trong biên chế.
F-15EX và Su-35S đều được phát triển từ các mẫu tiêm kích thời Chiến tranh Lạnh là F-15C và Su-27. Biến thể F-15EX mới nhất được trang bị hệ thống điện tử hàng không, liên kết dữ liệu và cảm biến được đánh giá là ngang ngửa hoặc thậm chí tốt hơn Su-35.
Tuy nhiên, tiêm kích Nga lại có động cơ mạnh hơn đáng kể so với máy bay Mỹ, được trang bị động cơ vectơ lực đẩy ba chiều để tăng khả năng cơ động. Phạm vi chiến đấu của Su-35 mang tên lửa không đối không tầm xa R-37M lên tới 400 km, trong khi F-15 chỉ giao chiến được trong phạm vi 160-180 km.
Lợi thế quan trọng của chương trình Su-35 là mẫu tiêm kích này đã trở thành trụ cột trong lực lượng không quân chiến thuật của Nga. Trong khi đó, không quân Mỹ đã dừng mua thêm F-15 kể từ năm 2001, nên mẫu tiêm kích này chỉ được sản xuất để xuất khẩu và ít được ưu tiên hiện đại hóa.
Ngoài giá thành cao, F-15 cũng đi kèm những quy định vận hành nghiêm ngặt do Mỹ đưa ra, trong khi Nga gần như không áp dụng bất cứ hạn chế nào đối tiêm kích xuất khẩu của họ.
Bất chấp những điều này, Indonesia vẫn chọn mua tiêm kích F-15, sau khi giới chức Mỹ nhiều lần cảnh báo nước này phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt nếu mua vũ khí Nga.
Mỹ từ lâu đe dọa trừng phạt các quốc gia đặt mua vũ khí hiện đại từ Nga theo Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Đạo luật này quy định bất cứ quốc gia nào tham gia các giao dịch trên 15 triệu USD với các nhà thầu quốc phòng thuộc nhà nước Nga đều phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ chính quyền Mỹ.
"Mối đe dọa từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đã phát huy tác dụng, buộc Indonesia phải từ bỏ thương vụ Su-35 để chấp nhận mua dòng tiêm kích tương đương, nhưng có giá cao hơn nhiều lần", Bakshi nhận xét.
Ngoài 36 chiếc F-15, Indonesia còn ký hợp đồng trị giá 8,1 tỷ USD mua 42 tiêm kích Rafale của Pháp. Mỗi chiếc Rafale theo hợp đồng này có giá trung bình 192 triệu USD, lô 6 chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao trong vòng 56 tháng sau khi ký hợp đồng.
Nguyễn Tiến (Theo Military Cognizance)