Anh này nhập viện ngày 25/10, diện tích bỏng khoảng 20% ở hai tay và chân, thân mình, một số vùng bị hoại tử. Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, cho biết đây là một trong 4 bệnh nhân bị bỏng lửa cồn nhập viện chỉ trong tuần trước. Họ đều sử dụng cồn để chế biến thức ăn. Quá trình chế biến không cẩn trọng, đổ thêm cồn vào lửa đang cháy khiến lửa bùng lên.
Bỏng cồn thường ở mặt, ngực, chân, tay, để lại sẹo co rúm trên da khi khỏi, thời gian điều trị lâu.
Bác sĩ Giang khuyến cáo không dùng cồn để nướng mực, nên nướng bằng bếp than, bếp lửa. Khi nướng bằng cồn cần quan sát kỹ để ngọn lửa tắt hoàn toàn, tránh đổ thêm cồn trực tiếp vào lửa đang cháy làm bùng lửa gây bỏng. Lửa cồn có màu xanh, trong ánh sáng ban ngày khó nhận biết nên càng cần thận trọng.
Khi bị bỏng lửa cồn, cần nhanh chóng ngâm vùng bị thương vào nước mát trong 10 đến 20 phút, sau đó dùng khăn bông sạch che phủ vết thương, băng ép nhẹ rồi đến bệnh viện điều trị.
Chi Lê