Hai năm trước, bệnh nhân bị sa sinh dục (còn gọi là sa tạng chậu) qua ngả âm đạo, không khám chữa. Khối sa ngày càng lớn gây bất tiện trong sinh hoạt. Bà tự xông hơi nóng nhiều lần vào vùng sinh dục, khối sa bỏng loét không lành.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chẩn đoán bệnh nhân bị sa bàng quang độ bốn, sa mỏm cắt âm đạo kèm tiểu đường type 2, phải phẫu thuật mới điều trị dứt điểm được. Người bệnh từng cắt tử cung 14 năm trước.
Bệnh nhân được phẫu thuật ngày 18/10, hiện tỉnh, không sốt, khối sa không còn.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa ngoại Thận - Tiết niệu cho biết, khoa đang điều trị bốn bệnh nhân khác trong tình trạng tương tự. Hầu hết họ đến bệnh viện muộn, mang khối sa tạng chậu lâu ngày gây bí tiểu, sỏi bàng quang, có người bị suy thận do hai thận ứ nước nặng.
Sa tạng chậu là tình trạng sa một hay nhiều cơ quan vùng chậu như bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột... khỏi vị trí bình thường qua âm đạo hoặc hậu môn. Khoảng 40% phụ nữ trên 40 tuổi mắc bệnh lý này, theo thống kê của Hội Sàn chậu TP HCM. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh, mang thai, sinh con nhiều lần, từng phẫu thuật vùng chậu, táo bón mạn tính, bệnh lý về hô hấp.
Triệu chứng sa tạng chậu là xuất hiện khối phồng thò ra khỏi âm đạo; đau lưng dưới hoặc tức nặng vùng chậu; ra huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là ra huyết sau mãn kinh; són tiểu, tiểu khó, tiểu lắt nhắt, nhiễm trùng niệu tái phát; đại tiện khó, đại tiện tắc nghẽn.
Bác sĩ Lộc khuyến cáo khi xuất hiện những dấu hiệu trên phải đến cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại niệu, sản khoa để khám, tuyệt đối không nên tự ý điều trị để tránh biến chứng.
Thư Anh