"Bạn bao ăn, bao khách sạn, dự tiệc có xe đưa đón tha hồ uống bia rượu, không yêu cầu tiền mừng nhưng yêu cầu dresscode (màu sắc trang phục) và cho tận 4-5 màu để chọn.
Tôi ra tiệm mua cái đầm 400 nghìn, rồi đặt vé máy bay để đi lại. Tổng thiệt hại không là gì so với cô dâu chú rể bỏ ra nhưng tôi biết người ta quý với thân nên mới mời tham dự. Vậy nên tôi vui lòng đáp ứng các quy tắc dự tiệc của họ.
Đa phần cô dâu chú rể chỉ yêu cầu màu sắc trang phục, sang chảnh hơn như đồng nghiệp của bạn tôi tổ chức tiệc cưới tại resort 5 sao ở Phú Quốc, cũng bao ăn ở 2 đêm, 3 tiệc thì yêu cầu cả loại form đầm/texudo. Nhưng thường cái họ yêu cầu so với tiền và công sức họ bỏ ra để tổ chức tiệc cưới nó không có gì quá quắc cả, nên tôi và bạn đều vui lòng làm theo".
Độc giả shallnot27 kể câu chuyện đi ăn cưới nạn thân cưới ở Đà Lạt. Đám cưới này chỉ mời 20-30 người thân thiết, bao ăn ở, yêu cầu dresscode, và khách vui vẻ tuân thủ vì hiểu sự quý trọng của cặp đôi.
Bình luận này sau bài viết Không đi đám cưới vì bị bắt mặc dresscode.Tác giả kể về trường hợp lần đầu dự tiệc bị yêu cầu dresscode, tôi mừng phong bì một triệu nhưng tốn 800 nghìn mua chiếc áo sơmi màu xanh pastel.
Trong số hơn 2100 độc giả tham gia khảo sát với câu hỏi Nếu trên thiệp mời cưới có yêu cầu 'dresscode', bạn sẽ làm gì?, chỉ 269 người (13%) chọn sẽ đi và ăn mặc đúng yêu cầu.
Độc giả kan puro cho rằng: "Đám cưới có yêu cầu dresscode nhưng lại mời búa xua, những người ở vùng xa có sự khác biệt văn hóa nữa, là kiểu đi học đòi một cách thiếu tinh tế, chỉ quan tâm điều mình muốn chứ không quan tâm khách của mình có sẵn sàng thực hiện yêu cầu đó không? Đã có những yêu cầu đặc biệt thì nên giới hạn khách mời, chứ đừng mời lấy số lượng".
Đồng quan điểm trên, độc giả Chuột Lắc cho rằng:
"Tôi thấy những đám cưới yêu cầu dresscode cũng chỉ nên mời trong vòng thân thiết, đừng mời đại trà làm khó xử người được mời. Nên hiểu rằng khách vì mối quan hệ mà đi, quan hệ như thế nào để đủ yêu cầu khách tuân thủ điều kiện của mình thì phải tự cân nhắc mời hay không mời.
Nếu không mời thì báo hỷ cho người quen cũng đủ duy trì tiếp mối quan hệ rồi, tôi cũng thấy khách người ta không mấy ai mà đi trách vì sao không mời đám cưới cả".
Độc giả ds1513153 cho rằng ngày cưới là trọng đại, cô dâu chú rể có quyền yêu cầu dresscode, khách có thể chấp nhận hoặc từ chối, quan hệ sau đó tùy vào sự thấu hiểu của mỗi bên:
"Ngày cưới là ngày trọng đại của cô dâu chú rể, họ là nhân vật chính nên được quyền yêu cầu cách ăn mặc, cũng để tránh mấy trường hợp cố tính hay vô ý trang điểm, ăn mặc lộng lẫy hơn cả nhân vật chính của buổi tiệc.
Còn khách mời có chấp nhận hay không, đi hay không là quyền của khách. Sau đấy vì việc này mối quan hệ giữa các bên sẽ thay đổi sao là chuyện khác, và cũng phải chấp nhận vì đấy là lựa chọn của các bên.
Tôi thấy yêu cầu dresscode cũng không có gì quá đáng miễn là cho khách nhiều lựa chọn và cũng không quá bắt buộc, mặc màu khác chút cũng không sao. Chung quy lại là dựa trên ý thức, sự tinh tế và thấu hiểu của các bên.
Khách hay chủ mà làm được điều này sẽ giữ gìn được mối quan hệ thân thiết lâu dài, thể hiện được phẩm chất tốt của bản thân".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.