Đọc bài Tranh cãi khách mời mặc đẹp hơn cô dâu, tôi lại nhớ đến những đám cưới mà cô dâu chú rể cho in dresscode (quy tắc phối quần áo) vào thiệp, để bắt khách đi dự mặc đồ theo yêu cầu của họ.
Một lần, má tôi ở quê lên thành phố dự tiệc cưới của đứa cháu gái, con ông anh của bà. Bước vào nhà hàng, bà và các họ hàng ở quê bỡ ngỡ vì mình trong khác với các khách ở thành phố vì phần lớn họ mặc đồ một màu. Còn cô bác ở quê thì người áo dài hoa, áo dài màu trơn...
Tôi lật đật giở thiệp ra thì mới thấy ở dưới có ghi dòng yêu cầu dresscode. Chính tôi cũng không để ý. Chả trách sao bà con dưới quê tự thấy lạc lõng giữa đám cưới một màu sắc.
Bản thân tôi cũng từng nhận thiệp cưới ở nơi sang trọng, cầu kỳ và có in yêu cầu dresscode trên thiệp. Có đám, tôi mừng phong bì một triệu, nhưng phải tốn 800 nghìn mua cái áo sơ mi "sang trọng, màu xanh pastel" như yêu cầu.
Sau lần dự đó, tôi thấy yêu cầu như vậy là rất vô lý nên những đám sau này có yêu cầu "trang phục lịch sự, màu abc hoặc xyz" gì đó thì tôi không tham gia cũng không gửi tiền mừng.
Một thanh niên hoặc ngay cả trung niên, nếu là nam giới thì trong tủ đồ luôn có áo sơ mi trắng hoặc đen, quần tây, giày da... với nữ thì áo dài hoặc đầm váy. Và tôi thấy trang phục như vậy là lịch sự, hợp với nhiều hoàn cảnh trang trọng rồi. Đã tốn tiền mừng, còn bắt họ đi đúng trang phục yêu cầu, nếu không có, phải tốn tiền mua, rồi chẳng còn dịp nào dùng tới nữa.
Một số người bảo răng, quy định dresscode có thể giúp tạo nên sự đồng nhất, sang trọng cho không gian tiệc cưới, đồng thời thể hiện được cá tính và phong cách của cô dâu chú rể. Chụp hình gây ấn tượng...
Nhưng dresscode có thể gây khó khăn cho khách mời, đặc biệt là những người có điều kiện kinh tế hạn chế hoặc không có nhiều thời gian để mua sắm trang phục phù hợp. Việc áp dụng dresscode quá khắt khe cũng có thể khiến khách mời cảm thấy bị gò bó, thiếu thoải mái và ảnh hưởng đến không khí vui vẻ của buổi tiệc.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.