Ngày 31/12/2013, hãng tin Reuters dự báo "vài ngày tới" Chính phủ có quyết định nới tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) cho khối ngoại. Thực tế là Nghị định 01 về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng đã được ban hành đúng vài ngày sau đó. Tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của khối ngoại tại nhà băng nội vẫn giữ ở 30%. Riêng với trường hợp ngân hàng yếu kém, trong diện phải tái cơ cấu có thể bán cổ phần với tỷ lệ lớn hơn 30%, tùy theo sự chấp thuận của Thủ tướng.
Trước thông tin này, giới ngân hàng càng tin tưởng đây sẽ là cánh cửa "pháp lý" cho phép Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) là cái tên "mở hàng" cho mùa mua bán sáp nhập (M&A) năm nay.
GPBank là đơn vị còn lại cuối cùng trong 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới đây cũng khẳng định đã được "xử lý xong" cả 9 trường hợp này. Nhà băng này đang xúc tiến bán 100% vốn cho đối tác ngoại sở hữu - Ngân hàng United Overseas Bank của Singapore. Nguồn tin thân cận với thương vụ cho biết hai bên đã tiến hành những thỏa thuận về giá cũng như các điều khoản. Nghị định 01 về room cho các nhà đầu tư tại ngân hàng có hiệu lực từ ngày 20/2 và nếu hai bên ngã ngũ về giá cả, sau ngày này thương vụ hoàn toàn có thể diễn ra hợp lệ.
Trên thực tế, thương vụ GPBank và UOB được giới tài chính ngân hàng kỳ vọng không chỉ là một cuộc xử lý trường hợp yếu kém cuối cùng. Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của Ernst & Young Việt Nam - cho rằng: "Nếu thành công thì đó sẽ là một tiền lệ cho phép việc sở hữu cổ phần chi phối của các ngân hàng nước ngoài đối với các nhà băng trong nước, tạo tiền đề thúc đẩy các thương vụ M&A ngân hàng sôi động hơn trong thời gian tới".
Theo Ngân hàng Nhà nước, riêng với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tỷ lệ sở hữu có thể vượt 30% - tùy theo quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) nhận định: "Các định chế tài chính lớn hiện không quan tâm đến các ngân hàng nhỏ mà chỉ thích những nhà băng lớn thôi. Trong khi đó, room để vào hầu hết những ngân hàng lớn của VN hiện khá thấp và không còn". Hiện tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài ở một nhà băng nội địa vẫn là 30% và mỗi tổ chức không được nắm quá 20% vốn. Trong khi đó, không ít nhà băng đã kịch room.
Sau GPBank, HDBank có thể là trường hợp M&A thứ hai khi cuối năm ngoái, ngân hàng này đã hé lộ đang xem xét, chọn lựa bán 30% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Dù chưa tiết lộ cái tên cụ thể nhưng theo Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm, 3 nhà đầu tư Nhật Bản đang là ứng viên sáng giá nhất.
Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước, tháng 6/2014, các ngân hàng sẽ phải phân loại nợ theo chuẩn mới của Thông tư 02 và hàng loạt các quy định mới về tỷ lệ an toàn vốn. Do đó, không loại trừ khả năng, đây sẽ là động lực để các ngân hàng nội địa rục rịch tìm đối tác chiến lược để chống đỡ trước áp lực tăng vốn.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa tỏ ra đồng tình với quan điểm này. "Nhu cầu tìm kiếm các đối tác đầu tư có nguồn vốn mới là rất lớn. Thậm chí, sau áp dụng Thông tư 02, nhiều ngân hàng nợ xấu sẽ cao đến mức họ phải tìm cách sáp nhập, mua lại", ông Nghĩa giải thích. Bên cạnh đó, trước yêu cầu quản trị doanh nghiệp, rủi ro ngày một tăng, việc "kết hôn" với "tây" sẽ giúp ích rất lớn cho các nhà băng Việt.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus, M&A 2014 có thể sẽ ghi nhận những thương vụ lớn trong ngành tài chính tiêu dùng. Ông Thuân dẫn số liệu nghiên cứu của StoxPlus cũng cho thấy tiềm năng và mức thâm nhập thị trường tài chính tiêu dùng tại VN còn bỏ ngỏ trong mắt nhà đầu tư ngoại. Tỷ lệ tổng cho vay tiêu dùng cá nhân trên GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2009 là 7,8% - thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (10%), Thái Lan (18%), Malaysia (42,5%) và thấp hơn nhiều so với ở các nước phát triển như Mỹ (91%), Anh (99%). Năm 2012 tỷ lệ này của Việt Nam thậm chí chỉ còn 3,7% GDP.
Một số định chế tài chính nước ngoài đã chọn giải pháp đầu tư chiến lược vào một ngân hàng thương mại ví dụ như Fullerton Financial Services đầu tư chiến lược 20% vào Ngân hàng Phát triển Mekong hoặc bản thân việc Công ty tài chính PVFC sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây về khía cạnh chiến lược cũng là cách để PVFC đẩy mạnh dịch vụ tài chính tiêu dùng. Năm 2013, HDBank cũng chính thức thâu tóm công ty tài chính ngoại và xem đây là một trong những mảng kinh doanh chiến lược.
Về lý thuyết, nhu cầu để tìm vốn ngoại cho những cuộc mua bán sáp nhập của ngân hàng nội địa đã có và ngày một cao. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng chưa chắc các nhà đầu tư ngoại đã mặn mà. "Một trong những cản trở là room thấp và quan hệ sở hữu tại các ngân hàng VN chưa rõ ràng, minh bạch", ông nói.
Bổ sung nhận định này, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho hay, một số nhà đầu tư ngoại là cổ đông chiến lược ở các ngân hàng Việt đang cảm thấy dần mất đi động lực sau khi "kết hôn" được 3-5 năm. “Điều này phần nào cho thấy mức độ chưa sẵn sàng đổi mới, hòa nhập với chuẩn mực quốc tế của các chủ sở hữu trong nước. Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ khi một số ngân hàng với sự góp mặt của nhà đầu tư ngoại đã thực sự thay đổi, có cải thiện rõ rệt trong phương thức kinh doanh, quản trị và vận hành”.", bà Dương phân tích.
Thanh Thanh Lan