Trong bản tin đăng ngày 31/12, Reuters cho biết quyền biểu quyết tại các công ty không niêm yết cũng được nâng lên 49%, bằng với giới hạn sở hữu ngoại hiện tại. Đề xuất này được các nhà đầu tư rất hoan nghênh và coi là bước tiến tích cực giúp thu hút vốn vào hai sàn chứng khoán. Tuy nhiên, họ cho rằng luật cần được nới lỏng hơn nữa nếu Việt Nam thật sự muốn thu hút đầu tư và nâng cao hoạt động của các công ty.
Dù vậy, phía cơ quan chức năng tại Việt Nam vẫn dè dặt xác minh chuyện room có thể mở trong vài ngày tới. Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết quyết định nới room vẫn khó thực hiện ngay do còn phải chờ phê duyệt từ Chính phủ. Trong khi đó, việc ra quyết định vẫn phải chờ đợi trong bối cảnh các cơ quan có thẩm quyền còn bận rộn nhiều công việc cấp bách cuối năm.
Theo ông, Ủy ban Chứng khoán đã trình đề án nới room tới hai lần lên Chính phủ, cùng với việc lấy ý kiến các bên liên quan. "Tinh thần nguyên tắc thì chắc là được ủng hộ. Nhưng cụ thể đến khi nào cũng chưa nói trước được", ông nói.
Tuy nhiên, thông tin có thể nới room trong vài ngày tới được giới đầu tư rỉ tai nhau từ tuần trước. Nhiều cổ phiếu đã hết room ngoại hoặc blue-chip có yếu tố cơ bản tốt như REE, FPT, HPG, PNJ xuất hiện khối lượng giao dịch tăng đột biến từ vài phần trăm cho tới trên 500% lúc bấy giờ. Chuyên gia môi giới tại một công ty chứng khoán thuộc top 10 thị phần tại Hà Nội còn cho rằng do "đã nắm trước thông tin room có thể mở, các nhà đầu tư trong nước đón đầu gom sẵn các cổ phiếu trên để chờ khối ngoại".
Theo số liệu của Reuters, chỉ số Vn-Index đã tăng 21% trong năm nay, cao nhất Đông Nam Á và thứ 4 châu Á. Tuy vậy, số liệu này vẫn còn thấp hơn 57% so với mức đỉnh xác lập tháng 3/2007. Bên cạnh đó, giá trị vốn hóa toàn thị trường chỉ là 40 tỷ, bằng một phần tám Thái Lan và một phần mười Singapore.
Một quan chức tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu trên Reuters rằng đề xuất này đã được Bộ Tài chính trình lên Thủ tướng từ tuần trước, và dự kiến được thông qua sớm. Việc tăng sở hữu cho khối ngoại sẽ không được áp dụng với các lĩnh vực "Nhà nước cần phải kiểm soát vốn ngoại". Tuy nhiên, tên các lĩnh vực này không được nêu chi tiết.
Ông Tran Tai - Giám đốc danh mục đầu tư tại quỹ Asiavantage Global cho biết nếu luật này được ban hành, ban đầu, chứng khoán sẽ tăng điểm. Nhưng thị trường sẽ phải mất một thời gian nữa để thấy được ảnh hưởng thật sự. "Đây là tín hiệu tốt từ phía Chính phủ, nhưng vẫn chưa được như nhà đầu tư kỳ vọng", ông cho biết.
Ông Dominic Scriven, CEO Dragon Capital cho biết vấn đề lớn mà Việt Nam gặp phải là nhiều công ty hàng đầu đã hết room cho khối ngoại. 12 trên 30 công ty đã chạm giới hạn này. Các quỹ đầu tư trong nước đang quản lý tổng cộng khoảng 1 tỷ USD tài sản. Đây là con số nhỏ so với các thị trường như Thái Lan. Vì thế, luật mới cần được nới lỏng hơn nữa để thu hút thêm nhiều vốn.
Tường Vi - Hà Thu