Một số ngân hàng đánh tiếng sáp nhập từ trước nhưng tới đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay mới chính thức xin ý kiến thông qua như Eximbank, Sacombank, Western Bank, DaiA Bank, HD Bank.
Trước đó, thị trường tài chính từng "nóng sốt" khi Eximbank và Sacombank đề cập tới kế hoạch hợp nhất hoặc sáp nhập tại lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai đại gia ngân hàng diễn ra hôm 29/1.
Hợp nhất, sáp nhập dự báo sẽ sôi động trong năm 2013 và thời gian tới. Ảnh: PV |
Đến ngày đại hội cổ đông diễn ra hôm 26/4, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank mới chính thức xin ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT nghiên cứu và lập đề án sáp nhập trong 3-5 năm tới. Ông Dũng lý giải, nếu không sáp nhập, Eximbank có thể phải mất gần 40 năm để đạt số chi nhánh và phòng giao dịch của Sacombank.
Tương tự, hôm 25/4 trong khuôn khổ đại hội cổ đông, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng phát triển TP HCM cho biết, HDBank và Ngân hàng Đại Á đã có kế hoạch, chủ trương sáp nhập và được Ngân hàng Nhà nước đồng ý.
Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng dù chưa từng ngỏ ý chuyện mua bán - sáp nhập nay cũng đặt vấn đề với các cổ đông nhân cuộc họp thường niên năm nay. Maritime Bank vừa xin cổ đông ủy quyền cho việc quyết định góp vốn, mua trên 20% cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác. Tại phía Nam, Southern Bank và ABBank cũng đặt vấn đề tương tự.
Ngày 28/4, ABBank xin phép đại hội được chủ động tìm kiếm cơ hội và đối tác là các ngân hàng cổ phần có nền tảng và quy mô tương xứng để thảo luận khả năng mua bán hợp nhất nhằm tăng quy mô, thị phần, sức mạnh tài chính và khả năng cạnh tranh. Riêng "room" cho vốn ngoại tại nhà băng này đã kịch trần 30% và Chủ tịch Vũ Văn Tiền cũng từng chia sẻ muốn nới thêm nữa tỷ lệ này.
M&A trong ngành ngân hàng dự báo vẫn sôi động trong các năm tiếp theo do nằm trong lộ trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Số lượng các nhà băng sẽ được giảm từ 39 hiện nay về 13-15 vào năm 2017. Có thể thấy, hầu như nhà băng nào cũng phải thay đổi cả quy mô và chất lượng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Cơ hội M&A đến từ nhu cầu cải tổ và công cuộc tái cấu trúc này. Tuy nhiên, để thực sự có một cuộc "hôn nhân" hòa hợp phải trải qua quá trình tìm hiểu hết sức kỹ càng.
Trong kỳ đại hội cổ đồng mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Quân Đội Lê Hữu Đức cho biết có 4-5 ngân hàng (ở cả Bắc và Nam) đã ngỏ ý sáp nhập với MBB. Tuy nhiên, sau khi khảo sát 3-4 nhà băng trong số này, MBB vẫn chưa tìm được đối tác bởi lo ngại nếu sáp nhập với các ngân hàng có nợ xấu tới 30%-40% thì sẽ "cùng nhau đi xuống" thay vì phát triển.
Cũng là một trong những ngân hàng đang chủ động tìm kiếm đối tác để hợp nhất, sáp nhập khi điều kiện chín muồi, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank chia sẻ, việc hợp tác, sáp nhập hay chọn cổ đông chiến lượng giống như là sự kết hôn. Khi đó cần phải có sự hòa hợp lẫn nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc lâu dài và lớn mạnh trong tương lai, từ định hướng chiến lược, tầm nhìn, thị trường mục tiêu, văn hóa tổ chức…
Do đó, ông Bình cho rằng vấn đề cốt lõi nhất mà nhà băng này quan tâm là sự phù hợp để có thể tạo ra được sự cộng hưởng, đảm bảo sao cho phép cộng 1+1 phải lớn hơn 2 thì sự hợp tác, sáp nhập mới thật sự có ý nghĩa cho các cổ đông, khách hàng và người lao động.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh nhìn nhận, xu hướng nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành của ngân hàng là một yêu cầu bức thiết nhất hiện nay để có thể đứng vững trên thị trường. Theo ông Minh, yêu cầu này tùy vào từng ngân hàng mà có những phương pháp khác nhau. Có nhà băng thì tự cơ cấu lại qua hình thức tự cơ cấu cổ phần, cổ đông, mạng lưới...Trong khi đó, một số ngân hàng lựa chọn phương án mua bán, sáp nhập để nâng cao năng lực, tài chính và quản trị điều hành.
Ông Minh chia sẻ thêm, trên đại bàn TP HCM, ba ngân hàng SCB, Tín Nghĩa và Đệ Nhất sau một năm hợp nhất thành Ngân hàng SCB, hiện nhà băng này đã cải thiện rất nhiều về thanh khoản, quản trị điều hành, chất lượng tín dụng...
Bình luận về xu hướng M&A của ngành này, ông Võ Tấn Hoàng Văn - Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, ngân hàng tại Ersnt & Young Việt Nam cho rằng, người dân đừng hiểu chuyện các nhà băng sáp nhập, hợp nhất là xấu. "Nên hiểu đó là chuyện tích cực. Cũng giống như lái xe khi mệt mỏi và không còn động lực nữa thì tốt nhất nên đổi tài xế. Nếu xe tệ quá thì nên chuyển khách sang chiếc xe khác. Đổi tài xế cũng là một cách nếu chiếc xe còn tốt. Nhưng nếu xe xập xệ quá thì nên đổi hẳn chiếc xe khác", ông Văn ví von.
Không riêng chuyện M&A giữa các ngân hàng trong nước, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nhắm đến thị trường tài chính Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Thuân - Giám đốc Công ty Phân tích Dữ liệu và tài chính StoxPlus - cho rằng nhu cầu mua lại một ngân hàng ở Việt Nam của các định chế tài chính lớn của Nhật, Australia, Canada... là rất lớn.
Trao đổi trong những cuộc hội thảo gần đây, hầu hết lãnh đạo của các nhà băng ngoại tại Việt Nam đều đề cập đến câu chuyện này. Tuy nhiên, phần nhiều vẫn cho rằng Chính phủ nên nới "room" hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào ngân hàng Việt.
Theo ông Thuân, những nhà băng có lợi thế về phi tín dụng truyền thống như tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, thanh toán sẽ vào tầm ngắm M&A của họ. "Chiến lược của họ không chỉ khai thác hoạt động tín dụng doanh nghiệp mà còn nhắm đến tín dụng cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ... vốn còn nhiều tiềm năng với Việt Nam", ông phân tích.
Trên thực tế, tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng là rất lớn do mức thâm nhập thị trường chưa cao. Số liệu của StoxPlus cho hay, tỷ lệ tổng cho vay tiêu dùng cá nhân trên GDP danh nghĩa của Việt Nam năm 2009 là 7,8%, tức là thấp hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia (10%), Thái Lan (18%), Malaysia (42,5%). Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với các nước phát triển như Mỹ (91%), Anh (99%). Năm 2012 tỷ lệ này thậm chí giảm xuống còn 3,7% GDP.
Thanh Lan - Lệ Chi