Thứ sáu, 5/7/2024
Chủ nhật, 31/5/2020, 12:10 (GMT+7)

Bạo loạn, biểu tình đốt nóng nước Mỹ

Biểu tình đòi công lý cho người da màu bị cảnh sát ghì chết khởi phát từ Minneapolis đã lan rộng khắp nước Mỹ và ngày càng trở nên bạo lực.

Hàng nghìn người biểu tình đòi công lý cho George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát ghì chết ở Minneapolis, tập trung bên ngoài Nhà Trắng hôm 30/5, xô đổ hàng rào an ninh và đụng độ lực lượng cảnh sát, mật vụ. Đám đông liên tục hô vang "Giơ tay rồi, đừng bắn" khi chạm trán các nhân viên Mật vụ Mỹ và bị họ dùng hơi cay đẩy lùi. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông vẫn an toàn trong Nhà Trắng và ca ngợi lực lượng an ninh đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Ông trước đó cảnh báo người biểu tình sẽ "gặp phải chó dữ" nếu xô đổ hàng rào Nhà Trắng. 

Người biểu tình phá hàng rào an ninh Nhà Trắng
 
 

Người biểu tình đối đầu lực lượng an ninh trước Nhà Trắng hôm 30/5. Video:Twitter/Alejandro Alvarez.

Một người biểu tình tạo dáng Nữ thần Tự do bên cạnh một chiếc xe cảnh sát bị đốt rụi ở thành phố Los Angeles, bang California hôm 30/5. Chính quyền Los Angeles đã áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm sau khi cảnh sát báo cáo hàng trăm người tham gia biểu tình tối 29/5 đã bị bắt. Các cuộc biểu tình tại thành phố dự kiến diễn biến phức tạp hơn vào cuối tuần.

Một người biểu tình chỉ tay vào mặt lực lượng cảnh sát ở thành phố Tucson, bang Arizona, hôm 30/5. Tương tự các thành phố khác khắp nước Mỹ, nhiều người dân Tucson đã xuống đường biểu tình đòi công lý cho George Floyd. Lực lượng cảnh sát được triển khai ở nhiều nơi trong thành phố để ngăn các hành vi phá hoại của đám đông.

Người biểu tình tập trung xung quanh một chiếc xe cảnh sát bị đập phá ở thành phố Seattle, bang Washington hôm 30/5. Thị trưởng Seattle Jenny Durkan đã tuyên bố áp lệnh giới nghiêm từ 17h tới 5h hôm sau khi các khu vực trung tâm thành phố hỗn loạn vì biểu tình. 

Khói bốc lên từ một chiếc xe tuần tra cảnh sát bị đốt cháy ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, trong khi người biểu tình tập trung xung quanh reo hò hôm 30/5. Chính quyền thành phố cũng áp lệnh giới nghiêm từ 20h tới 6h hôm sau để ngăn người biểu tình tràn xuống đường.

Cảnh sát New York bắt người tham gia biểu tình trên đường phố hôm 30/5. Các cuộc biểu tình trong thành phố ngày càng bạo lực khi đám đông quá khích đập phá các cửa hàng, đốt xe cảnh sát, ném chai lọ và nhiều vật thể vào lực lượng cảnh sát.

Người dân tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tiếp tục tập trung biểu tình hôm 30/5. 500 binh sĩ Vệ binh Quốc gia Mỹ đã được triển khai tới Minnesota giúp chính quyền địa phương ngăn các cuộc bạo loạn.

Các binh sĩ được triển khai thực hiện nhiệm vụ luân phiên suốt đêm và sẽ giúp đỡ cảnh sát địa phương đảm bảo nhiệm vụ giữ trật tự.

Vệ binh Quốc gia Mỹ được điều tới bang Minnesota sau khi Thống đốc Tim Walz yêu cầu hỗ trợ trong bối cảnh biểu tình ở hai thành phố Minneapolis và Saint Paul biến thành bạo lực, cướp bóc và đốt phá.

 

Người biểu tình chạy qua đám cháy dữ dội bốc lên từ toà nhà và xe hơi trên đại lộ Chicago, thành phố St. Paul, bang Minnesota, Mỹ, hôm 30/5. Cùng với Minneapolis, St. Paul là thành phố xảy ra bạo lực nghiêm trọng nhất, buộc chính quyền phải đề nghị Vệ binh Quốc gia chi viện.

Cảnh sát tại thành phố Portland, bang Oregon, bị người biểu tình ném pháo hoa khi đang triển khai nhiệm vụ hôm 30/5. Ted Wheeler, thị trưởng Portland, đã tuyên bố áp giới nghiêm qua đêm khi các cuộc tuần hành ôn hoà trong thành phố đã biến thành bạo lực.

Cảnh sát Philadelphia bắt người tham gia biểu tình hôm 30/5. Khoảng 3.000 người đã xuống đường ở trung tâm thành phố Philadelphia và cuộc tuần hành ôn hoà nhanh chóng trở nên bạo lực khi một số người biểu tình phá hoại tài sản và đụng độ với cảnh sát. Philadelphia đã bắt ít nhất 14 người biểu tình.

Ảnh: AP.