Năm 2014, V P R Nathan, kiểm soát viên không lưu người Malaysia, được điều động đến công tác tại văn phòng Bắc Kinh của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương. Người đàn ông 57 tuổi này khi đó đã hai tháng không gặp vợ.
Vợ ông, bà Anne, 56 tuổi, muốn dành một tuần bên chồng, nên đặt vé trên chuyến MH370 ngày 8/3/2014, xuất phát từ Kuala Lumpur để đến thủ đô Trung Quốc. Chuyến bay khởi hành lúc 1h sáng, nên ông Nathan quyết định đi ngủ sau khi nhận được tin nhắn của vợ, thông báo bà đã đến sân bay Kuala Lumpur.
Sáng hôm sau, ông thức dậy và đến sân bay Bắc Kinh đón vợ, nhưng thông tin chuyến bay MH370 không hiển thị trên bảng thông báo. Ông gặng hỏi, song nhân viên Malaysia Airlines cũng không có bất kỳ thông tin nào về thời điểm máy bay hạ cánh.
"Tôi hơi chột dạ, lo rằng có điều gì không ổn xảy ra. Tôi ngồi ở băng ghế chờ, không kiềm chế được cảm xúc, bởi vì...", ông Nathan nhớ lại, bỏ lửng lời chia sẻ do quá nghẹn ngào.
10 năm đã trôi qua kể từ MH370 biến mất ở vùng biển Ấn Độ Dương, trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không thế giới. Các cuộc tìm kiếm đến nay đều không gặt hái bất kỳ kết quả nào.
Chuyến bay chở theo 227 hành khách, 12 thành viên phi hành đoàn, đến từ 14 quốc gia. Giống như ông Nathan, nỗi đau mất mát vẫn ám ảnh những người ở lại suốt 10 năm qua.
Hàng loạt giả thuyết về sự mất tích của MH370 được đưa ra, nhưng chỉ như xát thêm muối vào nỗi đau mất chồng của bà Jacquita Gonzales, 61 tuổi. Chồng bà là ông Patrick Gomes, một thành viên phi hành đoàn.
"Mọi người liên tục nói có thể thế này, có thể thế kia, nhưng không có gì chắc chắn cả", bà Gonzales nói.
Chính phủ Malaysia ngày 24/3/2014 cho biết theo phân tích trên tín hiệu vệ tinh, MH370 bay về phía nam Ấn Độ Dương, lệch hàng nghìn km so với đường bay định sẵn và kết thúc hành trình ở vùng biển tây nam thành phố Perth của Australia.
Tới tháng 1/2015, Malaysia tuyên bố chuyến bay MH370 gặp nạn, toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng, nhưng xác máy bay chưa từng được tìm thấy.
Australia trong nhiều tháng đã dẫn đầu chiến dịch tìm kiếm đa quốc gia, quy mô lớn nhất lịch sử hàng không thế giới, trên khu vực rộng 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương. Không thu được kết quả nào, chiến dịch tìm kiếm kết thúc tháng 1/2017. Công ty thăm dò đại dương Mỹ Ocean Infinity cũng từng tham gia tìm kiếm MH370 năm 2018 và thất bại.
Bà Gonzales và ông Nathan, cũng như nhiều thân nhân hành khách khác, cho rằng chính phủ các nước nên tiếp tục cuộc tìm kiếm.
"Tất cả chỉ là giả thuyết hoặc suy đoán. Phần lớn chúng tôi đã chấp nhận sự thật rằng không ai có thể trở về, nhưng điều quan trọng là muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Hãy tìm hộp đen. Sẽ dễ dàng chấp nhận hơn nếu đó là một tai nạn", ông Nathan nói.
Một thập kỷ trôi qua, những gì ở lại với thân nhân hành khách MH370 là nỗi đau cùng những miền ký ức hạnh phúc.
"Tôi không nghĩ bất kỳ thân nhân nào có thể quên được ngày 8/3/2014 và những tháng ngày sau đó. Cho đến hôm nay, mọi thứ vẫn như mới đối với chúng tôi khi nhắc về chiếc máy bay này", bà Gonzales nói. "Đã 10 năm rồi, chúng tôi đã ổn hơn, không còn mong ngóng ngày họ trở về".
Đối với bà, mong muốn hiện tại là giải mã bí ẩn về sự mất tích của MH370. Nếu không thể giải đáp trong thời gian còn lại của cuộc đời, bà vẫn mong một ngày nào đó con cháu có thể biết sự thật, về "những gì xảy ra với ông, với cha của chúng".
"10 năm qua, tôi chưa hề làm lễ tưởng niệm cho chồng, chưa từng vào nhà thờ với di ảnh ông xã. Tôi chưa làm điều đó, vì chưa có gì rõ ràng", bà Gonzales cho biết.
Còn đối với Nathan, MH370 để lại một khoảng trống lớn trong cuộc sống hiện tại của ông, thời điểm lẽ ra ông đang tận hưởng thời gian nghỉ hưu cùng vợ.
"Kế hoạch nghỉ hưu của hai vợ chồng là du lịch, khi các con đã học xong. Chúng sẽ ở riêng và hai vợ chồng sẽ có thời gian bên nhau", ông Nathan nói. "Vợ tôi cũng thích làm vườn, chúng tôi đã có thể dựng một khu vườn, có đài phun nước. Nhưng giờ căn nhà rất trống trải".
10 năm sau ngày mẹ mất tích, Grace Subathirai Nathan, người Malaysia, đã tốt nghiệp trường luật, kết hôn, mở công ty luật và có hai con. Cô hài lòng về tiến triển trong cuộc sống, sự nghiệp, nhưng một phần trong cô đã "đóng băng" theo thời gian, sau ngày MH370 biến mất.
Giống bà Gonzales, nữ luật sư 35 tuổi không tổ chức tang lễ cho mẹ. "Tôi biết mình có lẽ không bao giờ gặp lại bà, nhưng tôi chưa thể chấp nhận điều này một cách trọn vẹn, vẫn còn một khoảng trống chưa thể lấp đầy trong lòng, không thể hàn gắn".
Li Eryou, nông dân ở Trung Quốc, cũng có quyết định tương tự. Anh chưa từng tổ chức tang lễ cho con trai độc nhất. Trong nhà, anh để một tấm bảng, đếm từng ngày trôi qua kể từ khi MH370 biến mất. Li từng là kỹ sư của một công ty lớn, nhưng sự nghiệp tươi sáng của anh bị hủy hoại sau thảm kịch.
"Suốt nhưng năm qua, tôi vất vưởng như một bóng ma", anh bày tỏ. "Khi gặp người thân, bạn bè, tôi gặng cười. Nhưng khi màn đêm im lặng kéo tới, tôi lại phải đối mặt với cảm xúc thật, nước mắt tuôn rơi mà không ai hay biết".
Anh trở nên nhạy cảm. Nỗi đau đến dễ dàng, thậm chí nhìn thấy một bông hoa cũng có thể làm Li đau đớn. Gần đây, anh phải chuyển đến sống cùng con gái vì tâm lý không ổn định. "Tôi tin con trai tôi vẫn quanh đây, có thể thằng bé đang sống trên một hoang đảo xa xôi, như Robinson Crusoe vậy".
Vợ chồng Li là một trong khoảng 40 gia đình Trung Quốc từ chối tiền bồi thường. Họ đã kiện 5 tổ chức lớn, trong đó có Malaysia Airlines, Boeing, và nhà sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce. Trong 10 năm, anh cũng viết khoảng 2.000 bài thơ, giúp anh chống chọi với nỗi mất mát.
"Chúng tôi hét lên với trái đất: MH370! Đất mẹ gầm lên, rồi im lặng. Máy bay không ở đây, không có trên mặt biển vắng. Biển không thấy con trai tôi sao? Những giọt mồ hôi đang chảy trên vầng trán cao của thằng bé. 10.000 lần khiếu nại, tái khởi động cuộc tìm kiếm, tới khi nào?", bài thơ Li viết có đoạn.
Đức Trung (Theo CNA, Washington Post)