Trưa 4/10, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết ba ngày qua có khoảng 30.000 người về quê, trong đó hơn 100 trường hợp test nhanh dương tính. Lượng người về quá đông trong thời gian ngắn nên tỉnh huy động các địa phương lấy các trường làm điểm cách ly nhưng không đáp ứng đủ. Số người về quê ồ ạt cũng tạo thêm gánh nặng cho ngân sách vì một lúc phải lo ăn uống cho hàng chục nghìn người. Do đó phương án mà tỉnh đưa ra cho người về quê cách ly ở nhà nếu xét nghiệm RT-PCR âm tính, tiêm vaccine 2 mũi.
"Địa phương có người cách ly tại nhà phải quản lý chặt chẽ từng người, có biển thông báo trước nhà", ông Bình nói và cho biết việc giám sát ở nhà sẽ tạo áp lực cho chính quyền cơ sở vì phải quản lý số lượng cách ly tại nhà quá lớn. Tuy nhiên, khi làm việc tỉnh quán triệt cần phải cố gắng vì cách làm này vừa giảm lây nhiễm chéo khi các khu cách ly tập trung đang quá tải.
Ban chỉ đạo Covid-19 An Giang cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thành lập tổ công tác tiền phương và tổ công tác hậu phương. Các địa phương tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ người cách ly tại nhà. Tổ covid cộng đồng phối hợp lực lượng công an địa phương, tổ dân phố giám sát và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ theo quy định.
Tại Kiên Giang, ba ngày qua dòng người trở về quê đạt gần 20.000 người, trong đó phát hiện 35 ca nhiễm. Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, cho biết các huyện, thị trong tỉnh đang phân luồng đưa người về quê đến địa điểm test nhanh. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính, cơ quan y tế cho người dân về nhà tự cách ly 14 ngày dưới sự giám sát chặt chẽ của địa phương.
Tuy nhiên, ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang bày tỏ sự lo lắng khi cho người về quê tự phát cách ly ở nhà bởi điều kiện của một số nhà không đảm bảo. Rất ít gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn có phòng và nhà vệ sinh riêng, gây ra nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Vì vậy thời gian này, cả ngành y tế phải gồng mình để vừa theo dõi vừa xét nghiệm định kỳ, hạn chế tối đa lây lan trong nhà.
Chưa tính phương án cho cách ly tại nhà ngay lúc về nếu xét nghiệm âm tính, nhưng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, trong cuộc họp sáng nay tỉnh thống nhất sẽ miễn phí xét nghiệm, cách ly cho người về quê. Các địa phương sẽ vận động nguồn lực xã hội hoặc các quỹ phòng chống Covid-19 hỗ trợ người dân khi trở về.
"Đến sáng nay có hơn 16.000 người dân về tỉnh Đồng Tháp. Người tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ cách ly tập trung 3 ngày, một mũi cách ly 7 ngày và chưa tiêm sẽ cách ly 14 ngày", ông Bửu thông tin sau khi hết cách ly tập trung, khi về nhà người dân tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà 14 ngày. Phó chủ tịch tỉnh cho biết sau khi kích hoạt tối đa các khu cùng với lực lượng hậu cần, khả năng cách ly của địa phương vẫn đáp ứng được.
Lượng người từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tự về quê ở miền Tây đã được dự báo khi 4 tỉnh thành này nới lỏng giãn cách từ 1/10. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại 4 tỉnh, thành nói trên, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê. Bốn địa phương này có tỷ lệ tiêm vaccine cao, song các tỉnh khác tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp. Do đó, nếu không kiểm soát tốt, người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch.
Tại buổi họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 28/9, nhiều tỉnh kiến nghị Chính phủ yêu cầu 4 địa phương không để người dân tự về quê sau 30/9. Sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo 4 tỉnh thành kiểm soát chặt người ra vào; giải thích, vận động người dân ở lại để được tiêm vaccine, tiếp tục sản xuất, kinh doanh... Những trường hợp cần thiết về quê, các địa phương phối hợp đưa đón an toàn.
Ngọc Tài