Đề xuất được lãnh đạo các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên đưa ra tại cuộc làm việc với Tổ công tác đặc biệt do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, chiều 28/9. Các tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm có chỉ thị yêu cầu sau ngày 30/9, TP HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai không để người dân tự đi về quê. Các địa phương cần có kế hoạch phối hợp đưa đón, đảm bảo an toàn những người thực sự cần thiết trở về.
Ngày 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, địa phương có khoảng 60.000 người đi làm công nhân tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát có khoảng 20.000 người về quê. Tuần qua, hơn 400 người chạy xe máy về tỉnh sau khi một số địa phương miền Tây nới giãn cách. Họ được đưa đi cách ly tập trung, trong đó 7 người có kết quả xét nghiệm dương tính.
"Nếu không phát hiện kịp thời, để những F0 này về cộng đồng rất nguy hiểm. Bởi dịch bùng phát, nguy cơ phá vỡ công sức cả tỉnh hơn 100 ngày để đạt được vùng xanh toàn bộ địa bàn để người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh...", Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nói.
Hiện, năng lực cách ly của Trà Vinh rất hạn chế vì các trường học trước đây trưng dụng chống dịch đã trả lại cho ngành giáo dục phun xịt khử trùng tiêu độc đảm bảo cho năm học mới. Năng lực y tế của tỉnh chỉ bảo đảm điều trị khoảng 100 F0 nặng. Vì thế, theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Trà Vinh, 35.000 người còn lại không qua sàng lọc mà tự phát về quê dễ gây ra nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, quả tải an sinh xã hội, an ninh trật tự, y tế...
Theo ông Hẳn, sắp tới các tỉnh miền Đông Nam Bộ mở cửa, khôi phục sản xuất, cần lao động, người dân nên ở lại làm việc, được tiêm vaccine. Riêng các trường hợp khó khăn, đau bệnh, không còn khả năng lao động, phụ nữ sắp sinh..., tỉnh sẽ tổ chức đón về địa phương.
Đầu tháng 6, từ ca nhiễm đầu tiên ở huyện Cầu Kè, đến nay Trà Vinh ghi nhận 1.507 ca bệnh. Trong đó, 1.367 người khỏi bệnh, 21 ca tử vong. Hiện có 475 người cách ly tập trung, 883 trường hợp cách ly tại nhà... Sau hơn 100 ngày chống dịch đạt kết quả tốt, từ 24/9, tỉnh áp dụng Chỉ thị 15 và khẩn trương xây dựng trạng thái "bình thường mới".
Tỉnh Sóc Trăng cũng đang lo lắng trước áp lực người dân đổ về quê. Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, khoảng một tuần qua, hơn 1.000 người dân đi xe máy về tỉnh, được bố trí cách ly tập trung. Trong số này có khoảng 10% xét nghiệm cho kết quả dương tính với nCoV.
"Nếu huy động tối đa, năng lực cách ly tập trung của tỉnh khoảng 10.000 người và khả năng điều trị của ngành y tế cao nhất là 2.000 F0", ông Lâu nói và kêu gọi hơn 120.000 người dân đang ở Long An, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương ở lại làm việc vì 4 địa phương sắp mở cửa phục hồi sản xuất vào đầu tháng 10. Các trường hợp quá khó khăn, tỉnh sẽ có kế hoạch đón về theo từng đợt.
Sau gần 2 tháng giãn cách xã hội, Sóc Trăng đã công bố khống chế được Covid-19, thành tỉnh đầu tiên miền Tây trở lại "bình thường mới" từ ngày 16/9.
Ở khu vực Nam Trung Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, cũng lo lắng sau khi 4 tỉnh thành Đông Nam Bộ dần "mở cửa", người dân về quê một cách tự phát. "Vì thế, tỉnh kêu gọi bà con ở lại được nên ở lại, có khó khăn tỉnh sẽ hỗ trợ, còn trường hợp cấp thiết, địa phương sẽ đón về", ông Thế nói và cho hay từ cuối tháng 7 đến nay, tỉnh tổ chức đón về hơn 16.000 người sinh sống tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Theo ông Thế, tổng số người được đón về thời gian qua rất lớn, trong đó, nhiều trường xét nghiệm dương tính với nCoV, gây ra áp lực cho hệ thống y tế. Song nhờ chủ động tầm soát, lại đón về tập trung, tỉnh chủ động kiểm soát, cách ly và chữa trị sau khi nâng năng lực chữa trị lên 1.700 bệnh nhân. Hiện, tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội, từng địa phương tùy theo mức độ nguy cơ để phòng chống dịch.
Với điều kiện hạ tầng, cơ sở y tế còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông Hồ Văn Mười cho biết việc tiếp nhận những người dân ở vùng dịch về còn hạn chế. Từ đầu dịch đến nay, địa phương đã tổ chức hai đợt đón trên 400 lao động, học sinh, sinh viên từ các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, sau 30/9, TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai dần "mở cửa", tỉnh dự báo sẽ nhiều người dân đang học tập và làm việc ở 4 địa phương tự về quê sẽ khiến chính quyền khó kiểm soát được dịch bệnh. Hiện, Đăk Nông vừa cơ bản kiểm soát được Covid-19, một số khu vực áp dụng Chỉ thị 16.
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 28/9, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho biết theo thống kê, hiện có 3,5 triệu người các tỉnh, thành trong cả nước làm việc tại TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó có 2,1 triệu người có nguyện vọng về quê.
Theo ông Hùng, ngoài 4 tỉnh thành trên có tỷ lệ tiêm vaccine cao, các tỉnh khác tỷ lệ tiêm chủng toàn dân còn rất thấp. Do đó, nếu không kiểm soát người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất phức tạp. Kinh nghiệm trước đây khi TP HCM công bố gia hạn các đợt giãn cách đã có hàng trăm nghìn người về quê, trong số đó, có người đưa dịch về các tỉnh.
Do đó, Bộ Công an đề nghị Thủ tướng chỉ đạo TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai huy động chính quyền cơ sở nắm chắc từng người dân có nguyện vọng về quê để vận động ở lại. Những người không về cần được địa phương cam kết tiêm vaccine, miễn giảm tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt, hỗ trợ việc làm để có thêm thu nhập yên tâm ở lại. Việc đưa người về, địa phương cần có kế hoạch công khai, trong đó ưu tiên người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người yếu thế.
Theo đại diện Bộ Y tế, dù TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 rất cao nhưng người đã được tiêm vẫn khả năng bị nhiễm bệnh, lây cho người khác. Vì vậy, việc đi lại của người dân ở 4 tỉnh thành này về các địa phương vẫn phải kiểm soát, cách ly nghiêm ngặt theo quy định.
Sau khi nghe ý kiến các địa phương và bộ ngành, Tổ công tác đặc biệt đã đồng ý đề xuất của các tỉnh và sẽ kiến nghị Thủ tướng sớm có công văn chỉ đạo cụ thể. Ngoài ra, Tổ công tác đã kiến nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Khi tỷ lệ tiêm vaccine của các địa phương khác cao lên sẽ tạo điều kiện người dân đi lại.
Cửu Long - Xuân Ngọc - Trần Hoá