"Tôi bị đánh thức bởi hàng loạt vụ nổ và tin nhắn trên điện thoại thông báo rằng cuộc tấn công tổng lực của Nga vào Ukraine đã bắt đầu", Osachuk, 50 tuổi, nhớ lại khi cuộc xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ hai.
Là một sĩ quan dự bị, Osachuk muốn đăng ký nhập ngũ, nhưng không được đáp ứng ngay lập tức, bởi ông lúc đó đang giữ chức thống đốc tỉnh Chernivtsi, miền tây Ukraine.
"Nửa đầu năm 2022, tôi điều hành công tác huy động quân ở tỉnh Chernivtsi. Ngày nào tôi cũng kêu gọi mọi người gia nhập lực lượng vũ trang", ông kể lại. "Khi nhiệm kỳ thống đốc kết thúc vào ngày 14/7, tôi đăng ký tòng quân ngay. Tôi rất vinh dự được trở thành một người lính biên phòng tham gia vào những nỗ lực bảo vệ lãnh thổ Ukraine".
Từ bỏ bộ vest chỉn chu của một chính trị gia, Osachuk khoác lên mình quân phục dã chiến, trở thành một trung tá biên phòng.
Lực lượng Biên phòng Ukraine trong thời bình có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, họ cũng tham gia các trận đánh ở tiền tuyến như bất kỳ lực lượng nào khác của quân đội Ukraine.
Với vai trò mới, Osachuk phối hợp hành động với các đơn vị khác trong lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. "Tại đây, giữa chiến trường, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với việc phải ở lại hậu phương làm thống đốc. Đó là một trách nhiệm lớn", ông nói.
Osachuk quả quyết ông muốn ở lại quân đội lâu nhất có thể, coi nhiệm vụ bảo vệ đất nước tới khi giành chiến thắng là trách nhiệm của cá nhân ông cũng như mọi công dân Ukraine khác.
Lái xe băng qua Bakhmut, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, nơi quân đội Nga tìm cách tấn công từ năm ngoái, Osachuk mô tả đây chính là "nơi số phận của cả Ukraine và các quốc gia tự do trên thế giới được định đoạt".
Không chỉ ở tiền tuyến, chiến sự còn thay đổi mạnh mẽ cuộc sống ở hậu phương Ukraine. Trước xung đột, Kateryna Musienko, cư dân Odessa ở miền nam Ukraine, chỉ nói tiếng Nga và thậm chí coi thường những người sử dụng tiếng Ukraine hay "Surzhyk", ngôn ngữ pha trộn giữa hai thứ tiếng.
Theo khảo sát năm 2004 của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, khoảng 85% dân số ở Odessa thường xuyên sử dụng tiếng Nga. Nhưng từ khi chiến sự nổ ra, "mọi thứ đã thay đổi", Musienko, cô gái 24 tuổi, nói.
Hồi tháng ba năm ngoái, bà cô thiệt mạng sau một cuộc tập kích của Nga vào Odessa. "Tôi đã rất sốc. Tôi không đau buồn mà chỉ cảm thấy giận dữ, căm thù", Musienko cho hay. "Tôi trở thành một người chỉ nói tiếng Ukraine, không thỏa hiệp và không thể thay đổi".
Cha mẹ, bạn trai cô và một số đồng hương của Musienko cũng quyết định chuyển sang nói tiếng Ukraine.
Musienko ủng hộ việc tháo dỡ các tượng đài và đổi tên những con đường liên quan đến Nga ở Odessa. Cô đồng thời sáng lập một tổ chức phi chính phủ nhằm bảo vệ tiếng Ukraine.
"Ngôn ngữ chỉ có thể được duy trì và phát triển khi nó tồn tại trong cuộc sống hàng ngày", Musienko giải thích. "Nếu con cháu chúng tôi không sử dụng, tiếng Ukraine sẽ chết".
Cô muốn tổ chức của mình xây dựng các trò chơi, những buổi tranh luận, bài giảng, khóa học, câu lạc bộ giao lưu và lễ hội nhằm tôn vinh và thúc đẩy người dân Odessa chuyển sang sử dụng tiếng Ukraine. "Tất nhiên, không phải bằng vũ lực, mà bằng cách đặt câu hỏi, suy luận", cô nói.
Với nhân viên lái tàu hỏa Andriy Yeryomenko, cuộc xung đột để lại dấu ấn rất rõ ràng trên khuôn mặt. "Râu của tôi đã chuyển bạc", người đàn ông 53 tuổi, mặc bộ đồng phục lái tàu màu xanh, nói đùa trong lúc ngồi trong cabin.
Xuất thân từ một công nhân đường sắt, Yeryomenko nhớ lại những giây phút đầu tiên chiến sự nổ ra, khi ông cùng các đồng nghiệp vội vã lái tàu chở hàng nghìn người sơ tán khỏi vùng chiến sự.
"Mọi người đều sợ hãi, tất cả đều trong tình trạng sốc: trẻ em, chó mèo, người lớn, người già", ông kể. "Chúng tôi đón tiếp bất cứ ai trong khả năng, 10 đến 12 người cùng ngồi chung trong một khoang vốn chỉ dành cho 4 hành khách".
Chuyến tàu mà Yeryomenko lái đi dọc chiều dài đất nước, đôi khi tắt hết đèn để giữ bí mật, chở những người dân đang sợ hãi, hoang mang đến nơi an toàn.
Ukrzaliznytsia, hệ thống đường sắt quốc gia Ukraine, vẫn duy trì hoạt động ngay cả khi bị pháo kích, giữ cho giao thông đất nước được xuyên suốt.
Trên mạng xã hội, nhiều người Ukraine đã coi công nhân đường sắt như những "người hùng" giúp họ vượt qua khó khăn. Nhưng Yeryomenko, người có hai con trai đang chiến đấu nơi tiền tuyến, không quá quan tâm đến những lời ngợi ca này.
"Chúng tôi chỉ đơn giản là đang làm công việc của mình", ông nhấn mạnh. "Chẳng ai trong chúng tôi phá hủy được một chiếc xe tăng hay bắn hạ chiếc máy bay nào".
Vũ Hoàng (Theo AFP)