Bên cạnh một số dấu ấn tích cực, trong năm 2014, đời sống văn hóa - giải trí Việt Nam tiếp tục bộc lộ nhiều tồn đọng.
Ngành xuất bản sách để xảy ra liên tiếp các sai phạm nghiêm trọng. Điển hình nhất là cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất. Ấn phẩm này trôi nổi trên thị trường nhiều năm nhưng đến năm nay, vụ việc được khơi lại, gây bất bình trong dư luận. Dù có nhiều lỗi ngô nghê, nhảm nhí, sai lệch về từ vựng, sách vẫn được các nhà xuất bản sao chép để phát hành trên thị trường. Sự việc nghiêm trọng khiến Cục Xuất bản phải ra quyết định thu hồi và tiêu hủy cuốn sách. Không dừng ở đó, cơ quan chức năng còn cho rà soát toàn bộ từ điển trên thị trường.
Cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" (phải) mang logo Nhà xuất bản Hồng Đức có nội dung y hệt sách từ điển đang "gây bão" mang logo Nhà xuất bản Trẻ. |
Ngoài ra, sự cẩu thả trong quá trình làm sách của các đơn vị xuất bản còn để lại hậu quả với các ấn phẩm như cuốn sách luật in hình diễn viên Công Lý, sách danh tướng với những bức tranh minh họa tùy tiện về các nhân vật lịch sử hay bộ sách được đầu tư 240 tỷ đồng nhưng mắc nhiều lỗi không đáng có.
Với những sai phạm đó, năm 2014 nhiều nhà xuất bản bị phạt nhiều lỗi cùng lúc. NXB Thời Đại phát hành nhiều sách có sai sót như Văn hóa tộc người Việt Nam của PGS Nguyễn Từ Chi (2013) và Văn hóa Việt Nam của GS Trần Quốc Vượng. Bản in lậu Búp sen xanh bán trên thị trường cũng đề tên đơn vị này. Cục Xuất bản thống kê, từ năm 2012 đến nay, NXB Thời đại có 25 cuốn sách vi phạm, do đó Cục đã cho thanh tra toàn diện hoạt động của đơn vị.
NXB Văn hóa - Thông tin chỉ trong năm nay có tới 60 cuốn sách vi phạm luật. Bộ Thông tin Truyền thông đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạm dừng hoạt động của nhà xuất bản này vì sai sót mang tính hệ thống.
Bên cạnh sự tắc trách, cẩu thả của một số đơn vị xuất bản, tồn tại của làng sách còn xuất phát từ kẽ hở ở khâu quản lý: xử lý sai phạm chậm, quá nhẹ tay, lỏng lẻo trong khâu đọc duyệt bản lưu chiểu... Luật Xuất bản ban hành năm 2004 đến nay đã qua vài lần sửa đổi, bổ sung với mong muốn hạn chế những sai sót trong lĩnh vực này. Nhưng thực tế cho thấy, dù luật đã được sửa đổi - bổ sung, hiện tượng tiêu cực vẫn rất dai dẳng.
Ở một số lĩnh vực khác, tranh cãi quanh chuyện tác quyền lại trở thành chủ đề nóng. Mở đầu là lùm xùm quanh các show diễn đánh dấu 40 năm tái ngộ khán giả trong nước của danh ca Khánh Ly hồi tháng 8. Giữa VCPMC (Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) và ban tổ chức show diễn này nổ ra cuộc "đấu khẩu" về mức thu tác quyền các ca khúc sử dụng ở chương trình, trong đó nóng hổi nhất là chuyện thu phí nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn.
Ca sĩ Khánh Ly trong một buổi biểu diễn tại Việt Nam năm nay. |
Một vụ ồn ào quanh tác quyền âm nhạc gây chú ý không kém trong năm 2014 đến từ ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP. Suốt một tháng, bài hát của nam ca sĩ châm ngòi cho cuộc tranh cãi lớn trong giới chuyên môn: liệu Sơn Tùng có đạo nhạc từ bài hát Because I Miss You của Hàn Quốc hay không? Chuyện này còn dẫn đến "cuộc chiến" lý luận chuyên môn về hiện tượng ca sĩ, nhạc sĩ trẻ sử dụng beat nhạc của tác giả khác (phần đông là từ ca khúc nhạc ngoại) để sáng tác.
Lĩnh vực thời trang cũng để xảy ra những sự việc gây thất vọng về tác quyền khi các thiết kế "đạo, nhái" liên tục bị phát hiện. Đầu năm 2014, Nguyễn Công Tín, giám đốc sáng tạo thương hiệu thời trang do Mỹ Tâm làm chủ, trở thành tâm điểm chỉ trích khi để "Họa mi tóc nâu" mặc bộ vest giống hệt sản phẩm của hãng Viktor & Rolf trong chương trình Vietnam Idol tối 23/2. Nhiều nhà thiết kế trong nước như Hoàng Minh Hà, Hà Duy... vẫn còn khá dễ dãi khi sử dụng lại các họa tiết, chi tiết trong các mẫu thiết kế nổi tiếng thế giới để tạo nên các trang phục mang thương hiệu mình. Điều này, khiến dư luận đặt câu hỏi về sức sáng tạo cũng như nhận thức của các nhà thiết kế về chuyện bản quyền.
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi nhan sắc (hoa hậu, người đẹp) cũng xảy ra tình trạng lộn xộn. Không ít chuyện ồn ào xuất phát từ cách hành xử của các hoa hậu. Từ cuối tháng 2, Hoa hậu Thế giới người Việt Diễm Hương lộ chuyện bị "chồng đâm đơn ly hôn". Từ đó, việc người đẹp khai gian tình trạng hôn nhân để dự thi Miss Universe hai năm trước bị xới lại. Các cơ quan chức năng lẫn ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 đều lúng túng trong quyết định tước hay không tước vương miện của người đẹp. Cuối cùng, Diễm Hương vẫn được giữ danh hiệu và vương miện.
Cuối tháng 5, Hoa hậu Các Dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà khiến dư luận xôn xao khi chuyện cô viết thư gửi ban tổ chức xin từ bỏ danh hiệu từ năm 2013 được công bố rộng rãi. Vấn đề căng thẳng hơn khi ban tổ chức lẫn Ủy ban Dân tộc đều đồng ý tước danh hiệu của người đẹp này. Trong khi đó, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, không có căn cứ để thu hồi danh hiệu.
Hoa hậu Thế giới Người Việt 2010 Lưu Thị Diễm Hương. |
Hiện tượng các người đẹp ra nước ngoài thi nhan sắc không xin phép đã tồn tại từ các năm trước. Năm 2014, việc này vẫn tái diễn với ba trường hợp bị phạt cảnh cáo, gồm: người đẹp Huỳnh Thúy Anh, Cao Thùy Linh và Tường Vy. Tuy vậy, sau khi bị phạt, Huỳnh Thúy Anh tiếp tục sang Đức dự thi Hoa hậu Liên lục địa. Mới đây, chưa kịp xin giấy phép Cục Nghệ thuật Biểu diễn, người mẫu Diệu Linh vẫn khăn gói sang Malaysia thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế 2014.
Một trong những lý do giải thích cho sự lặp đi lặp lại sai phạm này là việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng. Chế tài xử lý vi phạm cũng quá nhẹ. Huỳnh Thúy Anh bị phạt 22,5 triệu đồng. Cao Thùy Linh nhận mức phạt 30 triệu đồng. Nhiều người đẹp bất chấp án phạt này để tìm cơ hội nổi tiếng qua các cuộc thi.
Dù lắng dịu hơn các năm trước, tình trạng sao bị "tuýt còi" vì mặc phản cảm vẫn là đề tài được bàn tán. Trong tháng 10, ca sĩ Hương Tràm bị Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội phạt vì ăn mặc phản cảm khi biểu diễn ở quán bar. Ngay sau đó, người mẫu Hà Anh bị cấm diễn ba tháng vì khoe thân quá đà tại một chương trình thời trang ở TP HCM.
Sự chưa hoàn thiện của hệ thống văn bản luật cũng được cho là nguyên nhân khiến việc quản lý hoạt động biểu diễn còn chưa chặt chẽ. Thông tư 03 hướng dẫn các quy định trong Nghị định 79 chưa chi tiết khiến cho việc thực thi ở địa phương còn nhiều lúng túng. Các quy định trong nghị định còn khá chung chung. Mức phạt (phạt hành chính, cấm diễn...) dành cho các trường hợp sai phạm trong hoạt động thi nhan sắc, biểu diễn... khá nhẹ tay, gây tình trạng "nhờn thuốc".
Bộ Văn hóa cũng đang giao cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng sửa thông tư 03. Và nếu cần, có thể đề nghị Chính phủ cho sửa Nghị định 79 dựa trên việc tiếp thu và nghiên cứu các ý kiến nhận được từ nhiều nguồn. Đây là việc quan trọng làm tiền đề để xây dựng Luật Biểu diễn trong thời gian tới.
Nhóm phóng viên