Việc diễn viên hài Công Lý bị sử dụng hình ảnh phản cảm đưa lên bìa sách luật của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội là câu chuyện mới nhất về những sai phạm của các đơn vị làm sách. Nhiều năm qua, sai sót trong lĩnh vực này diễn ra tràn lan, biến hóa "thiên hình vạn trạng".
Trước chuyện "ảnh bìa Công Lý", cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất làm xôn xao dư luận bởi cách lý giải ngô nghê về từ vựng. Ấn phẩm có nội dung nhảm nhí này được bày trên kệ sách, nằm trong Thư viện Quốc gia. Ngoài bản in năm 2001 mang logo Nhà xuất bản Trẻ, đầu sách này được "nhân bản" qua vài đơn vị khác để lưu hành trên thị trường. Ngoài bìa thay đổi, sách vẫn giữ nguyên nội dung sai lệch, cẩu thả, có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhận thức của học sinh - đối tượng hướng đến của cuốn từ điển.
Tiếp đó, dự án sách được đầu tư 240 tỷ đồng - "Công bố, phổ biến tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam" - bị phát hiện mắc những lỗi sai cẩu thả.
Hồi tháng 9, thành viên Hội đồng giải thưởng Sách Hay phải lên tiếng xin lỗi vì tôn vinh cuốn Văn hóa tộc người (Nguyễn Từ Chi, NXB Thời Đại) nhưng lại tôn vinh nhầm ấn bản tái bản cẩu thả, tùy tiện, làm sai lệch nội dung tác phẩm gốc. Theo thông tin của Cục Xuất Bản, từ năm 2012 tới nay, Nhà xuất bản Thời Đại có 25 cuốn sách vi phạm các quy định về xuất bản.
Cuối năm 2013, độc giả cũng được một phen xôn xao khi sách Đồng dao dành cho trẻ mầm non của Nhà xuất bản Mỹ Thuật có nội dung "nhăng nhít" lại xuất hiện trên thị trường.
Năm 2012, tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100 bị phát hiện có nội dung phản cảm vì đặt ra bài toán rợn người "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?". Nhiều đầu sách rèn kỹ năng Toán, tiếng Việt, địa lý... cho lứa học sinh tiểu học bày bán, có logo đàng hoàng của nhà xuất bản vẫn đầy rẫy lỗi sai.
Ngoài sai sót ở khâu nội dung, chất lượng sách, tình trạng sách lậu là một vấn nạn cố hữu của ngành xuất bản mà những năm qua, chúng thậm chí còn phổ biến hơn, với mức độ vi phạm trắng trợn hơn. Những người làm sách tâm huyết cũng nản lòng hơn khi tháng 8 vừa qua, công ty First News bị xử thua kiện cơ sở in gia công Huy Thi - đơn vị in lậu sách của nhà xuất bản này.
Phần lớn các vụ vi phạm trong ngành sách xuất phát từ mối liên kết chứa đầy bất cập giữa nhà xuất bản và đối tác thực hiện.
Chia sẻ với VnExpress, một người làm việc lâu năm trong ngành xuất bản cho rằng: Một trong những yếu tố lý giải cho tình trạng sai sót tràn lan này chính là việc nhiều nhà xuất bản chỉ tồn tại trên danh nghĩa, bán giấy phép và logo rồi phó mặc đơn vị làm sách thao túng, tự chủ động trong khâu bản quyền, biên tập in và phát hành sách. Trong khi đáng lẽ ra, các khâu này đều phải do nhà xuất bản chịu trách nhiệm thực hiện và kiểm soát. Điều 23 về "liên kết trong hoạt động xuất bản" (thuộc chương 2, Luật xuất bản) quy định khá rõ: Đối tác liên kết chỉ được biên tập sơ bộ bản thảo sách. Tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản phải tổ chức hoàn chỉnh bản thảo xuất bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai sót trong hoạt động liên kết.
"Mỗi khi có vụ việc sai sót bị phanh phui, nhiều nhà xuất bản thường đổ lỗi cho tư nhân, đối tác liên kết rồi coi như rũ bỏ trách nhiệm. Trong khi đó, người chịu trách nhiệm lớn nhất đầu tiên phải là giám đốc - tổng biên tập của nhà xuất bản đó. Nếu đội ngũ biên tập viên, giám đốc của một nhà xuất bản trách nhiệm trong từng bản thảo và kiên quyết từ chối tác phẩm kém chất lượng thì sẽ không có chuyện sai sót diễn ra. Nếu nhà xuất bản không biết xấu hổ, không biết bảo vệ thương hiệu và logo của mình thì coi như chết chắc", vị này bức xúc nói.
Bà Xuân Hạnh, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa - Văn Nghệ, nêu ý kiến: "Ngành làm sách hiện nay có cạnh tranh rất lớn. Chính vì thế, có những đầu sách phải làm vội vàng, làm cho nhanh để ra thành phẩm khiến các khâu đọc duyệt bị rút ngắn lại. Nhất là khi đối tác liên kết hối thúc khiến nhà xuất bản phải duyệt nhanh dẫn đến sự chủ quan, dễ dãi".
Bà Hạnh chia sẻ, ở Nhà xuất bản Văn hóa - Văn Nghệ, một bản thảo sách với đối tác liên kết phải qua ít nhất ba người đọc duyệt theo từng cấp: biên tập viên, phó giám đốc - phó tổng biên tập, sau đó đến giám đốc - tổng biên tập. Có trường hợp sách cần đến 4-5 người đọc. Nhiều bản thảo, biên tập viên còn phải hỏi ý kiến trao đổi qua lại rất nhiều giữa các cán bộ trong nhà xuất bản cũng như những người liên quan, có chuyên môn để quyết định duyệt. Thậm chí, bìa sách, cũng phải được giám đốc - tổng biên tập duyệt. "Quy trình này đòi hỏi thời gian hơi lâu nên nhiều khi cần được sự thông cảm của đơn vị liên kết. Sự chặt chẽ trong khâu duyệt như thế giúp hạn chế những sai phạm", bà Hạnh nói.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cách xử lý của Cục Xuất Bản hiện nay với các sai phạm của ngành sách còn ít tính răn đe và khá nhẹ tay, khi chỉ quanh quẩn ở mức phạt hành chính, hoặc đình chỉ, thu hồi, tiêu hủy giải quyết hậu quả. Tuy vậy, mới đây, việc Nhà xuất bản Lao động - Xã hội bị xử phạt đến 252 triệu đồng cho hai cuốn sách luật in hình bìa phản cảm (trong đó có cuốn in hình bìa Công Lý) được xem là một động thái mạnh tay để xử lý vụ việc.
Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa khẳng định: Không cần thêm văn bản luật nào nữa vì việc liên kết xuất bản có từ lâu rồi. 20 năm nay, hiện tượng buông lỏng quản lý liên kết là có và càng ngày càng nặng. Từ lâu Cục đã cảnh báo điều này. "Ba năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đầu tư xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để quản lý chặt chẽ và đồng bộ đối với hoạt động xuất bản... Những nhà xuất bản, đơn vị liên kết làm ẩu, ăn cắp bản quyền, in ẩu sẽ dần dần được đưa ra ánh sáng", ông Hòa nói.
Anh Vân