Kỳ nghỉ Tết Tân Sửu một tuần của học sinh, sinh viên rốt cuộc dài ra thành một tháng khi các ca F0 xuất hiện trở lại. Đến đầu tháng 3, hàng triệu học sinh mới được đến trường. Nhưng chỉ hai tháng sau, đợt dịch thứ tư tái bùng phát từ 27/4, khiến việc học gián đoạn liên tục, nhiều tỉnh thành thậm chí phải học online suốt hơn bảy tháng qua.
Ngành giáo dục, như đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, bước vào một năm học bị Covid-19 "đảo lộn và tàn phá", bắt đầu bằng lễ khai giảng trực tuyến diễn ra trên khắp cả nước. Vào khoảng đầu tháng 9, Việt Nam có hơn nửa triệu ca nhiễm, 23 tỉnh thành đang trong thời gian phong tỏa, giãn cách, khiến học sinh phải chào cờ, hát quốc ca qua truyền hình trong ngày lễ truyền thống mở đầu năm học mới.
Nếu như đầu năm học, chỉ khoảng hơn 20 địa phương trong số 63 tỉnh thành có thể dạy trực tiếp hoàn toàn, thì có thời điểm, hồi cuối tháng 11, con số này chỉ còn 9. Hàng triệu trẻ lớp 1 ở nhiều nơi chưa từng một ngày được đến trường mới. Trong năm 2021, phần lớn học sinh - sinh viên chỉ đi học trực tiếp trọn vẹn khoảng hai tháng, bên cạnh ba tháng nghỉ hè và bảy tháng học online.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP HCM chia sẻ với VnExpress: "30 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi đối mặt với hoàn cảnh dạy học khó khăn như thế này".
Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học. Tại các gia đình, trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử nay buộc phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại nhiều giờ mỗi ngày. Mọi nội dung giảng dạy, từ tập viết cho học sinh lớp 1 đến việc thực hành của sinh viên đại học đều tiến hành online, qua nhiều hình thức như livestream, quay video mô phỏng...
Giáo viên không chỉ đứng lớp trước học sinh mà trước cả hàng chục phụ huynh gồm ông bà hoặc bố mẹ - những người phải chia sẻ trách nhiệm với việc học của con cháu. Lớp càng bé, trách nhiệm của gia đình càng lớn và nhiều hơn. Trong đó, khối mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất. Các em không được đến trường, cũng không thể tổ chức học online. Chỉ một số trường nỗ lực gửi video hướng dẫn bài học, hoạt động để phụ huynh vui chơi cùng con.
Bên cạnh việc học, việc thi cử, tuyển sinh cũng phải thay đổi cả hình thức, thậm chí cách thức để phù hợp với đại dịch.
Lần đầu tiên, Hà Nội quyết định cho học sinh nghỉ hè sớm nửa tháng (từ 15/5), khi hầu hết chưa làm bài kiểm tra cuối kỳ, chưa hoàn thành năm học. Đến gần cuối tháng 7, dịch bệnh vẫn phức tạp. Không thể chờ lâu hơn nữa, các nhà trường lấy ý kiến phụ huynh, sau đó tổ chức kiểm tra học kỳ II trực tuyến - hình thức mà một số hiệu trưởng khi đó cho rằng "chỉ mang tính vớt vát" bởi rất khó quản lý sự trung thực của học sinh. Không ít phụ huynh cũng mang tâm lý "thi cho xong" để các con thoải mái trước khi vào năm học mới.
Cuộc kiểm tra kỳ II này như một thử nghiệm dò đường, khiến nhiều trường học ở Hà Nội và tỉnh thành khác sau đó mạnh dạn triển khai các kỳ thi trực tuyến để tuyển sinh lớp 6, lớp 10. Sự thay đổi hình thức thi cử kéo theo việc xáo trộn kế hoạch, thời gian, thậm chí số môn, nội dung thi và cách thức xét tuyển.
Tại TP HCM, hơn 83.300 thí sinh không thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập mà được xét tuyển bằng điểm trung bình lớp 9. Do dựa vào điểm học bạ với cách đánh giá có sự chênh lệch giữa các trường, kết quả khiến phụ huynh phản đối. Cách xét tuyển tương tự được áp dụng cho kỳ tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng tạo ra phản ứng trái chiều.
Ở quy mô toàn quốc, hai năm liên tiếp, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tổ chức thành hai đợt. Do tính chất quan trọng của kỳ thi quốc gia, và bối cảnh khó lường của dịch bệnh, lãnh đạo nhiều địa phương phải cân não trước các quyết định về thời điểm thi tốt nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Dù được tổ chức thành nhiều đợt, đại dịch vẫn khiến khiến hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.
Với sức tàn phá mạnh trong thời gian dài liên tục, dù đã xuất hiện hơn hai năm, năm nay Covid-19 mới thực sự là cuộc sát hạch năng lực ngành giáo dục, làm bộc lộ nhiều bất cập. Nếu như năm học 2019-2020, học sinh cả nước nghỉ gần ba tháng do Covid-19; năm học 2020-2021, 36 tỉnh thành phải học online khoảng 2-3 tuần sau kỳ nghỉ Tết thì năm nay, dạy và thi trực tuyến trở thành giải pháp lâu dài; chứ không phải tạm thời như trước, nên cần sự tổ chức khoa học, ổn định.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục trên cả nước chưa đồng bộ cả về cách thức vận hành và chất lượng để duy trì dạy online một cách đồng đều, hiệu quả. Chất lượng dạy và học giữa các tỉnh thành, thậm chí giữa các quận, huyện trong cùng địa phương có khoảng cách lớn.
Đầu tiên là những bất cập về công nghệ. Đầu tháng 9, khi năm học mới bắt đầu, gần 1,9 triệu học sinh tại các địa phương thiếu thiết bị học tập. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm kêu gọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ học sinh, đặc biệt những em khó khăn ở vùng dịch. Ở các địa phương, chính quyền và ngành giáo dục cũng kêu gọi quyên góp thiết bị học tập trực tuyến cho học trò.
Khi vào học online, hàng triệu học sinh, ngay cả ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội gặp sự cố nghẽn mạng, rớt khỏi các phần mềm học trực tuyến. Sau một thời gian, những khiếm khuyết về cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ mới dần được khắc phục, nhưng vẫn chưa triệt để.
Dạy online cũng khiến giáo viên bộc lộ sự yếu kém về công nghệ khi để người lạ xâm nhập tiết học, không biết chia sẻ file, thậm chí sơ sểnh lộ cả hình ảnh nhạy cảm. Tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 11, nhiều đại biểu nhìn nhận, hạn chế về kỹ năng của giáo viên là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trực tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói "virus đã test lại cả hệ thống chúng ta" và thừa nhận dịch bệnh làm bộc lộ những khiếm khuyết nhất định về hệ thống văn bản, chính sách và cả khả năng ứng phó với trạng thái khẩn cấp bằng nghiệp vụ, hiểu biết của nhân sự trong ngành. "Dịch bệnh cho thấy kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng của nhà giáo, kỹ năng của học sinh, đặc biệt là vấn đề tự học, phải tăng cường rất nhiều", ông nói.
Ví dụ gần đây nhất là khi Bộ khiến phụ huynh bối rối vì ra văn bản yêu cầu, kiểm tra trực tiếp với lớp 1, 2 ở hai môn Toán và Tiếng Việt; trong khi, học sinh tiểu học ở Hà Nội và TP HCM vẫn đang học online, thậm chí nhiều lớp chưa đến trường ngày nào. Lãnh đạo Bộ sau đó phải giải thích, tuỳ điều kiện từng địa phương, học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp có thể được kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Do sự khó lường của dịch, nhiều địa phương trên toàn quốc cũng tỏ ra lúng túng, thiếu rõ ràng khi đưa ra một số quyết định về thời điểm mở cửa trường, cũng như các điều kiện liên quan như tiêu chí an toàn trường học, cách thức xử lý với F1, F0... gây hoang mang cho phụ huynh, học sinh.
Dù còn nhiều bất cập, Covid-19 là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn và phù hợp với bối cảnh. Bộ nhiều lần điều chỉnh chương trình dạy và học các cấp theo hướng giảm tải, chỉ giữ lại nội dung "cốt lõi". Nếu không vì Covid-19, không có sự chuyển đổi từ dạy - học trực tiếp sang trực tuyến, rất khó để học sinh được học theo cách tinh gọn như vậy. Nhiều trường cũng đổi mới cách ra đề, cách thi, thậm chí là linh hoạt trong đánh giá học sinh; thay vì chỉ dựa vào điểm số như trong "bình thường cũ". Chẳng hạn, các trường ở TP HCM cho học sinh tham quan bảo tàng online, làm infographic, video báo cáo để lấy điểm giữa kỳ môn Lịch sử, trong khi các môn khác kiểm tra online với độ khó vừa phải. Nỗ lực này nhận được sự ủng hộ của học sinh và phụ huynh.
Một khía cạnh tích cực khác là Covid-19 tạo cơ hội nâng cao kỹ năng công nghệ của giáo viên. Dù vẫn còn những giáo viên bộc lộ sự yếu kém, mặt bằng trình độ công nghệ của đội ngũ thầy cô giáo được nâng lên sau một thời gian dài tiếp cận giáo án online. Sau khi đã dùng thành thạo nhiều phần mềm như Zoom, OLM, Quiz, cô giáo Đỗ Thị Lan, 53 tuổi, giáo viên Tiểu học Đan Phượng (Hà Nội) thú thực: "Nếu không có dạy trực tuyến do Covid-19, bài giảng hiện đại của tôi mãi chỉ dừng lại ở trình chiếu Power Point". Hàng triệu giáo viên trên cả nước đã thay đổi, nâng cao năng lực bản thân như cô Lan để đáp ứng đòi hỏi mới.
Ngoài việc đáp ứng bối cảnh hiện tại, Bộ Giáo dục & Đào tạo dường như đã có tầm nhìn xa hơn, về yêu cầu chuyển đổi số và hiện đại hóa công nghệ đào tạo, sau biến cố Covid-19. Ngành giáo dục đã tính đến việc xây dựng nền tảng học trực tuyến mang tầm quốc gia với kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn. Đồng thời, ngành sẽ đánh giá sâu hơn việc học trực tuyến, từ đó pháp chế hóa những quy định, hướng dẫn về dạy và học trực tuyến, nhằm chuẩn bị cho khả năng đa dạng hóa hình thức đào tạo từ xa, trực tuyến, như cách thế giới đang hướng đến.
"Chúng tôi cho rằng việc dạy trực tuyến lúc này là hình thức ứng phó tạm thời nhưng khi dịch đã ổn định, ngành cũng sẽ nghiên cứu để đưa vào thực hiện mang tầm chiến lược", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói.
Dương Tâm - Mạnh Tùng