Theo kế hoạch, phần lớn trường trung học ở TP HCM sẽ kiểm tra giữa kỳ I từ 1/11. Trong tuần này, nhiều trường cho học sinh làm bài tập nhóm, dự án để lấy điểm một số môn như Lịch sử, Công nghệ, Giáo dục công dân, Trải nghiệm - Hướng nghiệp.
Từ 25/10, học sinh THPT cụm quận 1- 3 gồm Lê Quý Đôn, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Năng khiếu Thể dục thể thao, Lê Thị Hồng Gấm, Marie Curie... nộp sản phẩm môn Lịch sử trong dự án "Go Museum Online, do thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử THPT Lê Quý Đôn cùng đồng nghiệp ở nhiều trường lên ý tưởng, triển khai. Thay vì làm bài kiểm tra giữa kỳ, học sinh truy cập vào trang web các bảo tàng tại TP HCM, tham quan online rồi tìm tư liệu, thực hiện các bài báo cáo.
Với khối 12, học sinh tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, làm infographic theo các chủ đề: Nguyễn Ái Quốc - Chân dung lãnh tụ, Chế độ lao tù trong chiến tranh, Hiệp định Paris về Việt Nam - Cánh cửa đến hoà bình, Sài Gòn trong cách mạng (1930-1975). Ngoài ra, mỗi nhóm phải viết hoặc làm video báo cáo quá trình tham quan, đề xuất ý kiến để bảo tàng phục vụ tốt hơn với khách xem trực tuyến, đánh giá tình trạng trưng bày hiện vật.
Tương tự, khối 11 có các chủ đề tự chọn Địa lý hành chính Sài Gòn, Văn hoá Sài Gòn - TP HCM, Áo dài qua các thời kỳ. Khối 10 có thể chọn chủ đề Cổ khí thời Nguyễn, Các báu vật quốc gia, Lịch sử Việt Nam từ nguyên thuỷ đến thời Nguyễn, Điêu khắc cổ thời Óc Eo. Hình thức thể hiện và các yêu cầu như khối 12. Các em có thể làm cá nhân hoặc theo nhóm tối đa 4 người.
Ở THPT Lê Quý Đôn, học sinh còn lập ra Fanpage "Go Museum Online - GMO" để truyền thông cho dự án, trưng bày sản phẩm của các nhóm. "Dự án năm nay không chỉ muốn đề cao tầm quan trọng của môn Lịch sử, thể hiện thái độ trân trọng với truyền thống nước nhà, mà chúng mình còn muốn tạo cảm hứng cho thật nhiều học sinh và khiến bảo tàng trở nên gần gũi hơn trong học tập", một học sinh giới thiệu.
Theo thầy Du, việc học Lịch sử địa phương bằng dự án được các trường quận 1 và 3 thực hiện nhiều năm nay, nhằm đổi mới phương thức dạy và học Sử, giúp các em trải nghiệm nhiều hơn, tiếp cận kiến thức một cách mới mẻ, khác với cách học truyền thống.
"Năm nay đặc biệt hơn vì phải học online. Do đó, dự án tham quan bảo tàng chuyển sang hình thức trực tuyến. Ngoài việc học Sử, các em còn được rèn luyện kỹ năng tìm kiếm tư liệu, biết sử dụng các phần mềm hữu ích", thầy Du cho biết.
Sản phẩm các nhóm sẽ được góp ý để hoàn thiện, trước khi chấm và lấy điểm cho cột kiểm tra định kỳ học kỳ I.
Lấy điểm kiểm tra giữa kỳ bằng sản phẩm học tập cũng là cách làm của nhiều trường trung học. Tại THCS Nguyễn Du (quận 1), giáo viên các môn Ngữ văn lớp 8 và 9, Lịch sử 7-8-9, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật kiểm tra bằng sản phẩm. Chẳng hạn, với môn Ngữ văn, học sinh lớp 8 sẽ kể chuyện bằng tranh trong khi lớp 9 sẽ kể chuyện bằng video, ứng dụng công nghệ, tích hợp liên môn.
Với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở lớp 6; Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Công nghệ và Tin học ở các khối còn lại, trường cho kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm. Riêng môn Ngữ văn lớp 6-7 và Toán ở tất cả khối, hình thức kiểm tra là tự luận.
THCS Nguyễn Du bắt đầu kiểm tra từ đầu tháng 11, thực hiện trên hệ thống K12 Online, nộp bài trên One Driver hoặc Google Driver. Hiện nội dung ôn tập từng môn học được giáo viên hệ thống cho học sinh.
Nhiều trường khác cũng sắp xếp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học theo hình thức kiểm tra không tập trung; tức giáo viên có thể chủ động cho học sinh làm dự án, bài khảo sát hoặc các hình thức học tập khác để lấy điểm định kỳ.
Với những môn phải kiểm tra tập trung, các trường ưu tiên làm bài trắc nghiệm, nội dung tinh giản. Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Thọ cho biết, trường đang cho học sinh làm quen hệ thống kiểm tra trắc nghiệm online hoặc tự luận Ngữ văn.
"Các bài kiểm tra được thiết kế trên Google Forms, kết hợp với Google Meet để coi thi, có video hướng dẫn một cách rõ ràng. Mỗi em có tài khoản Google duy nhất để đăng nhập vào phòng thi và nộp bài", thầy Đảo cho biết.
Theo thầy Đảo, nội dung kiểm tra các môn phần lớn ở mức độ nhận biết và thông hiểu, rất ít câu ở mức độ vận dụng. Đề bài cũng bám sát hướng dẫn của Bộ, không kiểm tra những nội dung học sinh tự đọc, tự học.
Với trường Trung học Thực hành (Đại học Sài Gòn), nội dung ôn tập và đề thi được các tổ chuyên môn hướng dẫn rõ theo từng bài, mục. Số lượng câu hỏi và phân phối độ khó ở từng đề bài cũng được báo trước. Phần lớn môn học được kiểm tra trắc nghiệm 25-30 câu, thời gian làm bài 45 phút.
Giải thích rõ hơn về cách ra đề, cô Vũ Thùy Anh, giáo viên trường THPT Nguyễn Du cho rằng, dạy trực tuyến chủ yếu dừng lại ở kiến thức cơ bản, khó truyền đạt ở mức độ nâng cao. Do đó, khi soạn đề kiểm tra, giáo viên hướng đến đề bài nhẹ nhàng, đơn giản nhất, nhằm giúp các em ôn tập kiến thức, duy trì được nhịp độ, cảm giác học tập.
"Với khối 12, chúng tôi sẽ củng cố kiến thức và rèn luyện nâng cao khi các em học tập trung, bởi cuối năm các em phải thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học", cô Thuỳ Anh nói.
Ở bậc tiểu học, các trường không không kiểm tra, đánh giá định kỳ lớp 1 và 2 trong thời gian học trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ. Các khối còn lại được kiểm tra giữa kỳ I môn Toán và Tiếng Việt theo hình thức trực tuyến. Theo yêu cầu của nhiều Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, việc kiểm tra định kỳ với trẻ không áp lực, chỉ xem như một hoạt động đánh giá hàng ngày.
Từ giữa tháng 9 đến nay, hơn 1,3 triệu học sinh phổ thông TP HCM bước vào năm học mới bằng việc học online. Hiện hơn 200 học sinh tiểu học và trung học tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ được học trực tiếp, tất cả trường còn lại dự kiến học trực tuyến đến hết học kỳ I.
Đây là năm đầu tiên, các trường tại TP HCM tổ chức dạy trực tuyến ngay từ đầu năm học, đồng thời tổ chức kiểm tra bằng hình thức này. Việc đa dạng hóa hình thức kiểm tra, giảm độ khó đề thi được cho là giải pháp giảm tải áp lực học tập, thích ứng với bối cảnh giáo dục online trong dịch bệnh.