Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, ngành du lịch cả nước ước đón 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu du lịch nhiều tỉnh thành tăng mạnh. Năm 2024 chỉ TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng vượt mốc 1.000 tỷ đồng, năm nay tăng lên 8 địa phương với 5 cái tên mới là Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Ninh, Lào Cai và Ninh Bình.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành ghi nhận kết quả tích cực trong kỳ nghỉ Tết. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel, cho biết kỳ nghỉ Tết dài 9 ngày giúp lượng khách của công ty tăng 10-15% so với năm ngoái.
Lượng khách đặt tour nội địa của Vietluxtour tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024, tỷ lệ tương đương với các tour nước ngoài. Các điểm đến vùng núi như Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa, Măng Đen và Đà Lạt đang thu hút du khách nhờ thời tiết đẹp và mùa hoa khoe sắc.
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, cho biết trong dịp nghỉ lễ đầu năm, tỷ lệ khách đặt tour và combo du lịch nội địa của công ty vượt các tour quốc tế phổ thông như Thái Lan, Hàn Quốc. Sau mùng 5 Tết, nhu cầu đặt tour du xuân và lễ chùa tại Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu từ các cơ quan và đoàn thể.
"Cuối tuần này và tuần tới, xe du lịch 18, 29 và 46 chỗ phục vụ đoàn khách du xuân dự báo sẽ hoạt động hết công suất, giá thuê tăng gấp đôi so với ngày thường", ông Đạt nói.
Theo các CEO của nhiều đơn vị lữ hành, du lịch nội địa từ năm ngoái đến nay liên tục thêm sản phẩm mới ở các địa phương, đa dạng hơn về loại hình, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách từ nghỉ dưỡng cao cấp khép kín, du lịch khám phá, đến các tour văn hóa, tâm linh.
Phú Quốc, với khí hậu ấm áp quanh năm và hệ thống resort cao cấp, là lựa chọn yêu thích của khách hàng cao cấp. Trong khi đó, phân khúc tầm trung thường chọn Vũng Tàu, Phan Thiết với đa số du khách từ TP HCM và các tỉnh thành lân cận.
Tại miền Bắc, điểm du lịch văn hóa, tâm linh như Yên Tử, các ngôi chùa cổ ở Hà Nội, Ninh Bình, hút du khách đi lễ đầu năm. Trong 9 ngày nghỉ lễ, Ninh Bình đạt doanh thu du lịch 1.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, nằm trong nhóm 8 địa phương có doanh thu cao nhất cả nước. Công suất phòng trong tỉnh bình quân đạt 80-85%.
Dịp Tết, các sản phẩm du lịch bằng tàu hỏa trên các tuyến Hà Nội đi Lào Cai, Quảng Bình hay TP HCM đi Nha Trang, Huế, Đà Nẵng cũng được đẩy mạnh. Ngành đường sắt đã ra mắt "Chuyến tàu Xuân" với các trải nghiệm như đón giao thừa trên tàu, trò chơi dân gian, phục vụ món ăn đặc trưng ngày Tết.
Các công ty lữ hành nhận định phần lớn du khách nội địa hiện có xu hướng chọn hình thức du lịch tự túc, đặt tour free & easy (combo vé máy bay, khách sạn cao cấp). Lượng khách tự túc ngày càng tăng do nhiều gia đình có phương tiện di chuyển riêng, tâm lý không muốn gò bó lịch trình, các điểm du lịch gần nhau, giao thông đường bộ thuận tiện hơn.
Giám đốc Tiếp thị truyền thông Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu cho biết với thị trường tour lẻ của công ty, du khách thường đi theo nhóm gia đình 2-3 thế hệ, từ 5-8 người một nhóm. Các nhóm gia đình thường chuộng hình thức tour trọn gói vì được chăm sóc suốt hành trình, trong khi nhóm bạn bè và Việt kiều ưa thích các tour thiết kế theo nhu cầu riêng hoặc tour free & easy linh hoạt lịch trình.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, bên cạnh sự đóng góp của khách nội địa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2024 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi. Phú Quốc đã đạt kỷ lục đón 38-40 chuyến bay quốc tế mỗi ngày, với lượng khách quốc tế chiếm đến 75% du khách tại đảo trong những ngày Tết Nguyên đán.
Dòng khách tàu biển cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ đầu năm. Đà Nẵng đón tàu Crystal Symphony và tàu Silver Dawn với 1.800 khách Mỹ, Anh tham quan các điểm đến trong thành phố; Quảng Ninh đón 4 chuyến tàu biển Mediteranea, Celebrity Solstice, Silver Dawn và Crystal Symphony với tổng số 6.000 khách và 4.000 thuyền viên.
Ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội, cho rằng có 4 yếu tố tác động tích cực đến du lịch trong nước đầu năm. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 dài 9 ngày, được công bố sớm và thời tiết thuận lợi ở hầu hết địa phương khiến nhu cầu du lịch tăng mạnh so với kỳ nghỉ năm 2024.
Hệ thống doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đã chuẩn bị từ sớm, chủ động xây dựng và mở bán đa dạng tour du lịch trong nước và quốc tế, áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch mùa Tết.
Các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện phục vụ người dân và du khách.
Hầu hết điểm đến quản lý tốt giá cả và sản phẩm, các dịch vụ du lịch hạn chế tình trạng chặt chém.
Theo ông Huy, để duy trì đà tăng trưởng, ngành du lịch Việt Nam cần đảm bảo ổn định giá dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, tránh tăng giá đột ngột. Đồng thời, kiểm soát chi phí di chuyển để du khách dễ dàng tiếp cận các điểm đến mà không gặp trở ngại về giá, đặc biệt là giá vé máy bay. Quảng bá điểm đến cần được đẩy mạnh hơn, để người dân và du khách dễ tiếp cận các chương trình ưu đãi. Sản phẩm du lịch cần duy trì đổi mới liên tục để tạo ra những trải nghiệm mới mẻ.
"Ngành du lịch cũng cần quản lý các điểm đến thứ cấp để phân bổ du khách hợp lý, giảm áp lực quá tải cho các điểm du lịch trọng điểm, khai thác hiệu quả địa điểm chất lượng nhưng chưa được nhiều người biết đến", ông Huy nói.
Bích Phương