Cẩm nang
Cẩm nang
Cẩm nang du lịch

Kiên Giang

Kiên Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ và lớn thứ hai ở Nam Bộ. Kiên Giang có ba thành phố là Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc.

Kiên Giang giáp tỉnh Kampot của Campuchia ở phía bắc với đường biên giới dài 56 km, giáp Cà Mau ở phía nam, phía tây là vịnh Thái Lan, với đường bờ biển dài 200 km, phía đông và đông nam giáp An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ.

Kiên Giang có đủ các dạng địa hình từ đồng bằng, núi rừng và biển đảo. Trong đó, phần đất liền địa hình khá bằng phẳng. Do nằm ở vĩ độ thấp và giáp biển nên Kiên Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm, nhiệt độ trung bình 27 độ C. Kiên Giang ít khi chịu thiên tai như bão, lũ.

Hòn Phụ Tử ở huyện Kiên Lương, Kiên Giang. Ảnh: Đào Nguyên

Di chuyển

Đường bộ

Đường bộ là hình thức di chuyển chính tới Kiên Giang. Từ TP HCM, du khách thường xuất phát từ bến xe miền Tây. Giá vé một chiều dao động từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng tùy nhà xe, chất lượng xe và điểm đến. Các nhà xe được gợi ý: Kumho, Huệ Nghĩa, Tuấn Nga, Phương Trang, Hiền Vân, Hoàng Minh. Thời gian di chuyển dao động từ 4,5 đến 6,5 tiếng tới Rạch Giá hoặc Hà Tiên. Thông thường, du khách sẽ chọn các chuyến xe đêm để tiết kiệm thời gian.

Đường biển

Tàu cao tốc từ Hà Tiên đi Phú Quốc. Ảnh: Phu Quoc Express

Giao thông đường thủy nội địa và đường biển ở Kiên Giang phát triển mạnh. Hiện Kiên Giang có các tuyến tàu nối Rạch Giá, Hà Tiên với Phú Quốc, Hòn Sơn, Nam Du, Hải Tặc và các hòn đảo nhỏ khác. Các hãng tàu có Superdong, Phú Quốc Express, Hòa Bình Ship chạy hằng ngày, tần suất tăng vào mỗi dịp cao điểm. Giá vé dao động từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng tùy loại tàu và điểm đến.

Đường hàng không

Kiên Giang có sân bay Rạch Giá và sân bay Phú Quốc. Rạch Giá là sân bay tiếp nhận các hạng máy bay nhỏ và chỉ có đường bay thẳng từ TP HCM, tần suất không cố định, dao động từ một đến ba chuyến một tuần. Thời gian bay 50 phút. Du khách từ các tỉnh thành khác trung chuyển tại TP HCM.

Sân bay Phú Quốc chỉ phục vụ cho đảo Phú Quốc, là sân bay quốc tế, tiếp nhận đủ loại máy bay. Mỗi ngày có hàng chục chuyến bay đến và đi từ sân bay Phú Quốc. Giá vé máy bay khứ hồi nội địa tới Phú Quốc dao động từ 2,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng, tùy thời điểm, hãng hàng không và nơi xuất phát.

Lưu trú

Khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Kiên Giang tập trung nhiều ở các thành phố lớn như Hà Tiên, Rạch Giá và Phú Quốc.

Tại thành phố Rạch Giá, các khu lưu trú khá đa dạng. Khách sạn cao cấp có Sai Gon Rach Gia, với giá phòng dao động 1-1,2 triệu đồng một đêm. Các khách sạn 2-3 sao giá phòng từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng gồm có Đông Hải Hotel, Hòa An Hotel, khách sạn Thiên Mỹ, Hasu Hotel, Hồng Nhung, Lê Đoàn, Mỹ Phương Hotel, Ngọc Thành, Quốc Vinh. Các khu lưu trú bình dân có giá dưới 300.000 đồng.

Tham quan

Thành phố Rạch Giá

Bến tàu Rạch Giá. Ảnh: Dũng Trương

Rạch Giá là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Kiên Giang, với diện tích hơn 97 km2, dân số gần 250.000 người, chia thành 11 phường và một xã. Rạch Giá nằm bên bờ biển tây nam Việt Nam, trải dài bên bờ đông vịnh Thái Lan với 20 km đường bờ biển, chiếm một phần mười chiều dài bờ biển của toàn tỉnh. Đây là vị trí thuận lợi cho giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không. Rạch Giá cách TP HCM 245 km về hướng tây nam, cách Cần Thơ 115 km về hướng tây và cửa khẩu quốc tế Hà Tiên 95 km về hướng đông nam.

Ngày nay, Rạch Giá có thêm nhiều khu phố mới, cầu tình yêu, cầu vòng, nhiều điểm check in cho khách du lịch.

Đảo Phú Quốc

Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, cách TP Rạch Giá 120 km, và cách TP Hà Tiên 45 km. Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất được chia thành bắc đảo và nam đảo. Thị trấn Dương Đông nằm ở trung tâm. Đây là hòn đảo du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam, thu hút du khách trong và ngoài nước quanh năm, với nhiều loại hình du lịch, tài nguyên biển, đảo, rừng phong phú. Phú Quốc đã được nhiều tạp chí lớn trên thế giới xếp hạng hòn đảo lý tưởng cho du lịch trong nhiều năm liên tiếp.

Đến Phú Quốc, du khách sẽ lựa chọn lưu trú ở bãi Trường, bãi Dài, thị trấn Dương Đông hay bãi Sao, bãi Khem. Các điểm vui chơi tập trung ở Bắc - Trung và Nam đảo. Các điểm tham quan nổi tiếng có xưởng sản xuất rượu sim, nước mắm, trang trại nuôi trai lấy ngọc, vườn tiêu.

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Phú Quốc

Thành phố Hà Tiên

Thành phố Hà Tiên. Ảnh: Hoàng Giám

Hà Tiên nằm cách thành phố Rạch Giá 88 km, cách TP HCM 350 km, biên giới dài gần 14 km với Campuchia và đường bờ biển dài 26 km ven vịnh Thái Lan. Hà Tiên có đầy đủ các dạng địa hình gồm vũng, vịnh, đồng bằng, núi, sông, hang động và biển đảo, tạo nên nhiều cảnh quan đẹp. Hà Tiên từng là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tiên (cũ). Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thông với cửa khẩu Prek Chak của tỉnh Kampot, Campuchia.

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Hà Tiên

Quần đảo Nam Du

Đảo lớn Nam Du. Ảnh: Khánh Thiên·

Nam Du bao gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ, là quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách Rạch Giá khoảng 120 km. Nam Du nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, những bãi cát trắng mịn, nước trong, ngày càng nhiều khu nghỉ được xây dựng. Để có thể tận hưởng hết vẻ đẹp của hòn đảo, bạn không nên bỏ qua các điểm đến như: Hòn Nồm, bãi Cây Mến, Bãi Ngự. Đặc biệt, hãy thưởng thức hải sản tươi sống và tận hưởng không khí trong lành tại đây.

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Nam Du

Đảo Hải Tặc

Hải Tặc là quần đảo có diện tích 251 ha, nằm trên vịnh Thái Lan với 18 hòn đảo chìm nổi. Khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII đây từng là nơi cướp biển trú ngụ và tấn công các thuyền buôn. Ngày nay, đây là hòn đảo du lịch, một trong những trải nghiệm nên thử là tìm hiểu cuộc sống của ngư dân làng chài, câu cá và thưởng thức hải sản bên bờ biển. Tại đây cũng có các dịch vụ lặn biển và ngắm san hô. Từ TP Hà Tiên, du khách mất khoảng gần một tiếng ra đảo. Giá vé dao động từ 70.000 đồng đến 90.000 đồng. Du khách cũng có thể mang xe máy sang đảo.

>> Xem thêm: Vẻ đẹp hoang sơ trên quần đảo Hải Tặc

Cửa khẩu quốc tế

Tỉnh Kiên Giang có hai cặp cửa khẩu quốc tế với tỉnh Kampot của Campuchia là Giang Thành - Ton Hon và Hà Tiên - Prek Chak.

Du khách đi du lịch thường sử dụng cửa khẩu Hà Tiên, nằm cách trung tâm thành phố 7 km để đến biển Kép, đảo Con Thỏ, Kampot, núi Tà Lơn, Sihanoukville, Phnompenh, Siemriep của Campuchia hoặc Thái Lan bằng đường bộ. Tại Hà Tiên, du khách mua vé xe buýt khởi hành hằng ngày. Nếu muốn đi riêng, có thể thuê xe ôtô tại cửa khẩu, đủ loại xe từ 4 đến 24 chỗ, tài xế người Campuchia biết nói tiếng Việt và tiếng Anh.

Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ảnh: FB Cửa khẩu

Hòn Sơn

Hòn Sơn còn có tên gọi là đảo Hang Rái, thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, cách thành phố Rạch Giá 65 km. Xã đảo này nằm giữa đảo Nam Du và đảo Hòn Tre, được bao bọc bởi 6 bãi biển đẹp với diện tích đảo 11 km2. Đảo Hòn Sơn chưa có nhiều người dân sinh sống, còn khá hoang sơ. Nếu là người yêu thích thiên nhiên hoang dã, thì đây là địa điểm để bạn được tận hưởng cảm giác bình yên. Lưu trú qua đêm tại nhà dân hoặc nhà nghỉ nhỏ có giá dao động 150.000 đồng đến 200.000 đồng một đêm. Đồ ăn tại đây cũng ở mức bình dân.

Hòn Sơn từ góc nhìn trên cao. Ảnh: Traveloka

Tàu cao tốc Superdong và Ngọc Thành đều chạy tới Hòn Sơn, giá vé dao động từ 100.000 đồng đến 140.000 đồng. Thời gian di chuyển từ Rạch Giá đến Hòn Sơn khoảng một tiếng rưỡi.

Thắng cảnh Ba Hòn

Ba Hòn có ba ngọn núi thấp gồm Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo sát bờ biển, thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất. Tên gọi Ba Hòn do người dân địa phương đặt để chỉ ba ngọn núi liền kề nhau. Ở đây sở hữu nhiều hang động kỳ bí, nguyên sơ. Địa danh Ba Hòn còn gắn với tên tuổi nữ anh hùng, liệt sĩ Phan Thị Ràng, nhân vật được Nhà văn Anh Đức miêu tả qua tác phẩm văn học nổi tiếng Hòn Đất với tên gọi chị Sứ. Tới Ba Hòn, du khách nên kết hợp tham quan quần đảo Bà Lụa.

Quần đảo Bà Lụa

Ba Hòn Đầm thuộc quần đảo Bà Lụa. Ảnh: Nhan Hoang

Quần đảo Bà Lụa nằm trên địa phận huyện Kiên Lương, tổng diện tích khoảng 70 km2. Cái tên Bà Lụa được xuất phát từ tên vị tướng đã thành lập nên xưởng dệt lụa ở trên hòn đảo này nhằm phục vụ cho nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Với 40 hòn đảo lớn nhỏ nhưng chỉ có khoảng 10 hòn đảo có cư dân sinh sống, đây là vùng biển êm, cảnh đẹp, không khí trong lành. Hòn Đầm Dương, hòn Đước, hòn Giếng là ba hòn đảo (Ba Hòn Đầm) đẹp nhất của quần đảo Bà Lụa. Du khách đến bến tàu Ba Hòn, sau đó mua vé cano hoặc tàu gỗ để ra đảo, thời gian di chuyển khoảng 20-30 phút.

Chùa Tam Bảo

Chùa Tam Bảo, nằm trên đường Sư Thiện Ân, thành phố Rạch Giá, có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Kiên Giang, từng là trụ sở của hội Phật học Kiên Giang. Chùa tọa lạc nơi cao ráo, thoáng mát, trước cửa có ao sen rộng và hòn non bộ. Trước chánh điện là nhiều tượng Phật lớn. Chánh điện được thiết kế theo kiểu thượng lầu hạ hiên. Các bàn thờ được chạm trổ công phu, thiếp vàng, điêu khắc với trình độ mỹ thuật cao.

Cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan ở Rạch Giá. Ảnh: Rạch Giá Online

Cổng Tam Quan tại thành phố Rạch Giá là một trong những biểu tượng đặc trưng của tỉnh Kiên Giang. Cổng nằm trên trục đường chính Nguyễn Trung Trực - Lạc Hồng. Cổng được xây dựng năm 1955 nhằm tạo điểm nhấn khi vào trung tâm. Các kiến trúc sư đã thiết kế cổng theo phong cách truyền thống, hình vòng cung và ba ô cửa tượng trưng cho hữu quan, không quan và trung quan - ba cách nhìn của nhà Phật thể hiện sự vô thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, qua nhiều lần tu sửa và sơn mới, một số chi tiết trang trí đã không còn như trước, trong đó có câu đối từng khắc hai bên cổng.

Bến tàu Rạch Giá

Nằm ở trung tâm khu lấn biển Rạch Giá là bến tàu. Đây là nơi khởi hành các chuyến tàu ra đảo Phú Quốc, Hải Tặc, Nam Du hay những hòn đảo du lịch nổi tiếng khác. Đến bến tàu Rạch Giá vào lúc bình minh hay hoàng hôn, du khách sẽ được ngắm nhìn một khung cảnh lãng mạn và yên bình. Đây cũng là điểm chụp ảnh đẹp, nên thu hút khá đông khách du lịch.

Vườn quốc gia U Minh Thượng

Một góc Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: TTXVN

Sông Trẹm chia U Minh thành hai vùng thượng và hạ. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau còn U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là khu rừng được xếp hạng độc đáo và quý hiếm trên thế giới, được công nhận là vườn quốc gia tháng 1/2002. Do nhiều nguyên nhân tác động, rừng tập trung ở U Minh Thượng nhiều hơn và loại rừng nguyên sinh chiếm phần lớn. Rừng nằm cách TP Rạch Giá 60 km. Du khách tới đây thường tham quan trong ngày, thuê xuồng lá hoặc xuồng máy len lỏi giữa những kênh rạch, câu cá và tham quan các khu sinh thái.

Bảo tàng Kiên Giang

Với kiến trúc Pháp hiện đại pha trộn nét cổ kính của nhà cổ Nam Bộ, bảo tàng Kiên Giang là nơi lưu giữ văn hóa, lịch sử và con người Kiên Giang, thông qua 6 chủ đề trưng bày. Bảo tàng vốn là dinh thự của một địa chủ phong kiến, nằm ở 27 Nguyễn Văn Trỗi, TP Rạch Giá, được xây dựng năm 1911, khánh thành năm 1920 với diện tích khoảng 2.000 m2. Nội thất cầu kỳ, với nhiều đồ gỗ quý có các mảng trang trí chạm khắc tỉ mỉ. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần, giá vé 15.000 đồng một người lớn, trẻ em miễn phí.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực

Đền thờ (đình thần) Nguyễn Trung Trực nằm ở trung tâm thành phố Rạch Giá, được coi là đền lớn nhất trong chín đền thờ ông ở Kiên Giang, thể hiện sự tôn vinh với Nguyễn Trung Trực - người dẫn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Năm 1868, ông bị bắt và xử tử tại chợ Rạch Giá. Đền mở cửa từ 7h đến 11h30 và từ 13h30 đến 17h hằng ngày. Vào tháng 8 Âm lịch hàng năm nơi đây diễn ra lễ hội lớn. Đây là nét văn hóa được người dân Rạch Giá lưu truyền lâu đời, thu hút người dân khắp nơi.

Ẩm thực

Gỏi cá trích

Đây là đặc sản của Phú Quốc, món ăn du khách không nên bỏ qua khi tới hòn đảo này. Gỏi cá trích được bán khắp các nhà hàng, quán ăn từ cao cấp đến bình dân. Cá trích được sơ chế, cuốn chung với rau và bánh tráng, chấm với nước mắm hoàn toàn không có mùi tanh. Điểm đặc biệt của gỏi cá trích là ăn cùng dưa tươi, giúp vị ngon ngọt. Du khách cũng có thể mua cá trích về đất liền làm quà.

Gỏi cá trích Phú Quốc. Ảnh: Huỳnh Nhi

Bún kèn

Bún kèn là món ăn của người Khmer với nguyên liệu chính là các loại cá đặc trưng miền Tây như cá nhồng, cá rựa, cá lẹp vàng được sơ chế kỹ, bỏ da và rút xương. Món ăn có nước dùng sệt, màu đỏ, làm từ nước cốt dừa. Để có bát bún kèn hoàn hảo, chỉ cần thêm một ít xoài, rau sống, tôm khô giã nhuyễn rồi đổ nước dùng vào. Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận được vị béo từ nước cốt dừa và vị ngọt thanh của cá.

Bún cá

Bún cá Kiên Giang có cách chế biên đơn giản hơn bún cá An Giang, gồm nước lèo, bún tươi, thịt cá lóc đồng, rau xanh và nước mắm ngon. Kiên Giang nằm ven biển nên tô bún cá có thêm ít tôm biển. Cá lóc chọn con lớn, làm sạch bỏ mật, giữ nguyên bộ lòng rồi luộc chín, thịt và xương cá làm phần nước dùng có vị ngọt thanh. Sau khi luộc chín, cá được lấy ra để nguội tách thịt, rồi xào cùng ít mỡ tỏi cho dậy mùi thơm.

Cà xỉu muối

Cà xỉu sống ở nước lợ, xuất hiện nhiều ở vùng đầm Đông Hồ, Hà Tiên. Cà xỉu có hình dáng như hai mảnh chem chép xanh, thêm râu, thịt mềm và ngọt. Mùa thu hoạch loại hải sản này từ tháng 6 tới tháng 8. Muốn bảo quản cà xỉu lâu, người Hà Tiên muối cùng nước mắm đường, ớt, tỏi, rồi cho vào hũ thủy tinh, đóng kín, đặt trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong vài tháng. Đặc sản này được bán nhiều ở chợ Hà Tiên, giá khoảng 120.000-150.000 đồng một hũ.

Xôi xiêm

Nguyên liệu để nấu xôi gồm gạo nếp, trứng gà, đường, bột mì, bột bắp, lá dứa và nước cốt dừa. Gạo nếp ngâm qua đêm rồi đem đồ cùng lá dứa. Nhân xôi được chế biến từ trứng, đường, nước cốt dừa theo tỷ lệ đã định rồi cho tiếp chút bột mì vào khuấy đều. Khi đun, liên tục khuấy đều tay cho nhân chín rồi bắc xuống để nguội, đợi phần nhân chín, cắt thành từng miếng vuông, ăn cùng với xôi.

Lưu ý

Khi xuất nhập cảnh qua cửa khẩu với Campuchia, du khách là công dân Việt Nam cần có hộ chiếu gốc, còn hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và không được lưu trú quá 30 ngày. Nếu lưu trú hơn 30 ngày thì phải xin visa. Những người không có hộ chiếu làm giấy thông hành tại cửa khẩu.

Tâm Anh

Cập nhật 19/7/2024, 06:00 (GMT+7)