Bìa tạp chí Fronline số tháng 7/1999 với hình Bạc Hy Lai (góc dưới phải) người khi đó đang giữ chức thị trưởng thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Ảnh: Asahi Shimbum |
Số tháng 7/1999 của tờ Frontline, một tạp chí nổi tiếng tại Hong Kong, khiến dư luận không khỏi bất ngờ với dòng tít giật gân: "Bạc Hy Lai chỉ đuổi muỗi chứ không hề lột da hùm như ông ta nói".
Tác giả bài viết gây tranh cãi ấy là "Li Yueyan", bút danh của Jiang Weiping, người khi ấy đang là phóng viên của Wei Wei Po, một tờ báo tiếng Trung có trụ sở ở Hong Kong.
"Li Yueyan" Jiang Weiping trong bài viết đó thẳng thắn chỉ trích Bạc, nói ông đã sử dụng quyền lực của một thị trưởng để vụ lợi cho cá nhân và gia đình.
Câu chuyện bắt đầu khi vài tháng trước đó, văn phòng công tố Đại Liên đột ngột tiến hành rà soát một loạt trụ sở của Dalain Ribao (Nhật báo Đại Liên), tờ báo chính thức của đảng bộ thành phố, và bắt giữ 4 cán bộ vì nghi ngờ biển thủ lợi nhuận quảng cáo của công ty.
Mọi việc tưởng như đã chìm vào quá khứ nếu trong bài viết trên Frontline, Jiang không lật lại câu chuyện ấy và hé lộ những thông tin đằng sau vụ tống giam.
Theo ông Jiang, đã có lần Bạc yêu cầu Nhật báo Đại Liên mua một tòa nhà trị giá 500 triệu tệ làm văn phòng. Vợ ông, bà Cốc Khai Lai, một luật sư, thời điểm ấy đang làm cố vấn pháp lý cho công ty đã xây dựng tòa nhà. Và bà cũng chính là người nắm giữ 20% cổ phần của công ty đó.
Ngay khi phía Nhật báo Đại Liên từ chối mua lại tòa nhà, thì cuộc điều tra nhằm vào các văn phòng của nó cũng bắt đầu.
Cũng theo Jiang, một đối tác khác từng làm việc với bà Cốc đã nhận được không ít ưu đãi đặc biệt từ chính chính quyền thành phố dưới thời thị trưởng Bạc. Bài báo tố cáo vợ chồng ông Bạc đã "hỗ trợ lẫn nhau" để làm giàu thêm cho "tổ ấm" của họ.
"Bà ấy đi du lịch khắp thế giới, nghỉ tại những khách sạn đắt tiền", Jiang viết. "Số tiền ấy ở đâu ra?"
Jiang Weiping (ngoài cùng bên trái) và Bạc Hy Lai (thứ 4 từ trái sang) bên phóng viên các tờ báo của Hong Kong hồi năm 1998. Ảnh: Asahi Shimbum |
Jiang biết Bạc từ khi ông còn là phó bí thư huyện Jin. Qua nhiều năm cùng làm việc, ông được chứng kiến sự thay đổi trong tính cách của vị lãnh đạo tài năng sau mỗi lần thăng chức. Không thể chấp nhận con người mới của Bạc, Jiang quyết định sử dụng khả năng của một nhà báo để đưa những mặt tối của vị thị trưởng ra ánh sáng.
Trong 12 năm từng làm việc cho tờ Nhật báo Đại Liên và hãng thông tấn Xinhua, Jiang không chỉ đối mặt với duy nhất Bạc Hy Lai. Ông đã nhiều lần thành công trong những chiến dịch chống lại các quan chức tham nhũng của Trung Quốc.
Khoảng nửa năm trước khi bắt đầu điều tra về Bạc, Jiang từng một bài báo cho Frontline về Ma Xiangdong, phó thị trưởng thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, vì sử dụng công quỹ để đánh bạc. Theo đó, chỉ trong một năm, Ma đã nướng hơn 40 triệu tệ vào các sòng bạc ở Macau.
Jiang cũng vạch trần Qian Dihua, thị trưởng thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, vì đã chiếm dụng công quỹ để mua nhà cho 29 tình nhân.
Sau những nỗ lực của Jiang, các vị quan chức tham ô đã phải hứng chịu hình phạt thích đáng. Ma phải lãnh án tử hình trong khi Qian nhận án tù 10 năm vì tội chiếm dụng công quỹ.
Nhưng Bạc không giống những vị quan chức bình thường. Cha ông, Bạc Nhất Ba, người từng giữ chức phó thủ tướng Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình, khi ấy vẫn còn sống. Vào thời điểm bài báo của Jiang được ra mắt, thành phố cảng miền bắc cũng đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Và Bạc đã không phải chờ lâu hơn nữa để có một cuộc "phản công" tìm lại danh dự cho mình.
Quỳnh Hoa (Theo Asahi Shimbum)
Đây là bài thứ tám trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai tại Trung Quốc. Đọc thêm:
Bạc Hy Lai ôm mộng quyền lực
Bạc Hy Lai - kiến trúc sư của 'Đại Liên xinh đẹp'
Bạc Hy Lai và nhạc đỏ
Cha Bạc Hy Lai trải đường cho con trai
Bạc Hy Lai tự tin nhờ Chủ tịch Mao
Dấu chân dát vàng của Bạc Hy Lai
Đằng sau bước thăng trầm của Bạc Hy Lai