Vào một buổi chiều giữa tháng 6, một làn gió lạnh thổi qua quảng trường trung tâm thành phố biển Đại Liên. Bên cạnh cột Hoa Biểu ở chính giữa quảng trường, khách du lịch không thể không chú ý đến con đường bằng đồng dẫn ra bờ biển.
Con đường này in dấu chân của 1.000 nhân vật nổi tiếng của thành phố, là công trình điêu khắc kỷ niệm 100 năm ngày Đại Liên được coi như một đô thị. Trong số những dấu chân đó, dấu hai bàn chân vàng lấp lánh thật sự nổi bật.
"Đây là dấu chân của Bạc Hy Lai", hướng dẫn viên nói và chỉ vào dấu chân dát vàng. Khách du lịch thi nhau hướng máy ảnh đến chụp dấu chân của người đàn ông cao 1,86 m. Một khách du lịch còn ướm chân mình vào dấu chân của ông Bạc.
Trong số dấu chân của 1.000 nhân vật nổi tiếng đặt ở Đại Liên, dấu chân của Bạc Hy Lai được dát vàng. Ảnh: Asahi Shimbun |
Bạc Hy Lai giữ chức chủ tịch thành phố Đại Liên từ năm 1993, khi ông 43 tuổi. Ông được gọi là người "nghiện công việc" và quyết tâm biến Đại Liên thành Hong Kong phương bắc.
Tòa thị chính của thành phố được xây dựng từ năm 1937, trên tầng ba là văn phòng làm việc của Bạc Hy Lai. Nơi này được gọi là căn phòng "không ngủ" vì ông thường xuyên làm việc đêm và triệu tập họp hoặc gọi điện cho cấp dưới bất kỳ lúc nào, kể cả đêm khuya.
Ông thực hiện một loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong vòng 8 năm giữ chức thị trưởng, bí thư Đại Liên, ông bố trí được chỗ ở cho 1 triệu dân và xử lý hết những dòng sông ô nhiễm trong thành phố.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả trên, trong quá trình làm việc ông phải tỏ ra cứng rắn, thậm chí chống lại một số người. Một số người dân từ chối rời đi để nhường chỗ cho những dự án phát triển đô thị đã bị tấn công hoặc bị bắt giữ bởi nhà chức trách và các nhà thầu.
Ông Bạc là một thành viên trong nhóm "thái tử" vì là con của một lão thành cách mạng Trung Quốc. Thúc đẩy bởi tư tưởng trở thành thiên tử, Bạc nhanh chóng leo lên nấc thang quyền lực nhờ những ảnh hưởng của cha mình và nhờ những hành động mạnh mẽ thậm chí tàn nhẫn khi cần thiết.
Mỗi tháng một lần, 25 ủy viên bộ chính trị Trung Quốc có cuộc họp tại Trung Nam Hải, gần Tử Cấm Thành ở trung tâm Bắc Kinh. Sau khi thảo luận các vấn đề, ông Hồ Cẩm Đào, tổng bí thư, chủ tịch nước, thường hỏi" "Có ai muốn phát biểu gì không?", Bạc luôn luôn giơ tay, các nguồn tin trong đảng cho hay.
Bạc Hy Lai trong cuộc họp quốc hội đầu năm, ngay trước khi ông bị cách chức. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên Bạc Hy Lai đột ngột tụt dốc ngay trước khi leo lên đến đỉnh. Ông Bạc hiện đang bị quản thúc để thẩm vấn, những quan chức được xem những thông báo nội bộ của nhà điều tra cho hay. Ông cũng được cho là phủ nhận mọi liên quan đến cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood cũng như những tài sản phi pháp của vợ ông, bà Cốc Khai Lai.
Trung Quốc đang trong giai đoạn chuẩn bị cho đại hội đảng, các nhà lãnh đạo nước này đặc biệt nhấn mạnh sự đoàn kết trong đảng. Đây chính là lý do việc cách chức ông Bạc được gọi là vi phạm kỷ luật đảng và luật pháp chứ không phải một sự kiện chính trị.
Chu Vĩnh Khang, quan chức cao cấp trong đảng, được xếp hạng là nhân vật số 9 trong bộ chính trị, phụ trách mạng lưới an ninh quốc gia, được cho là có mối quan hệ gần gũi với Bạc. Một số hãng thông tấn nước ngoài cho rằng Chu cũng bị điều tra trong vụ việc của Bạc.
Nhưng các nhà điều tra khẳng định rằng ông Chu không liên quan đến vụ việc sau khi thẩm vấn các trợ lý và thư ký của ông. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cú "ngã ngựa" của nhà lãnh đạo trẻ, dự kiến có mặt trong Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, đã có ảnh hưởng ít nhiều đến nội bộ đảng cầm quyền Trung Quốc.
Đảng bộ thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh họp hôm 22/6 vừa qua đã quyết định cách chức ủy viên thường trực của một nhân vật thân cận với Bạc Hy Lai, từ Bộ Thương mại chuyển đến công tác tại Trùng Khánh. Trong nội bộ đảng của Trung Quốc cũng sẽ tiến hành nhiều phiên họp kín. Các phiên họp quan trọng được cho là diễn ra tại Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, trong mùa hè để thảo luận về tình hình nhân sự cho kỳ đại hội chuyển giao quyền lực vào mùa thu.
Phần tiếp: Bạc Hy Lai tự tin nhờ chủ tịch Mao
Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)