Thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, thành phần một ly trà sữa gồm có trà, sữa, trân châu, thạch, bánh flan, đường, cung cấp một lượng lớn nguồn năng lượng cho cơ thể. Ví dụ, một ly trà sữa khoảng 500 ml chứa 300-500 kcal, tương đương với một tô phở.
Theo thạc sĩ Tường, trà sữa là loại thức uống có năng lượng từ carbohydrate cao nên dễ gây no. Nhiều người uống trà sữa xong thì bỏ luôn bữa ăn chính. Tình trạng này kéo dài dẫn đến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng. Nhiều loại trà sữa sử dụng bột màu và hương liệu nhân tạo không xác định được liều lượng cho phép, có nguy cơ gây tổn thương cho gan và thận.
Chất béo trong kem hay bột béo của trà sữa thường là chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, gây tắc nghẽn mạch máu và ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Uống trà sữa vào buổi tối có thể gây khó ngủ vì chất caffeine có trong trà. Bên cạnh đó, trà sữa ẩn chứa nguy cơ cao gây béo phì và đái tháo đường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh sản của nam giới. "Nhiều người một ngày uống 2 đến 3 ly trà sữa là quá nhiều", bà Tường nói.
Thạc sĩ Tường khuyến cáo, nếu muốn uống trà sữa mà không ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên hạn chế dần số lượng uống trong một tuần. Mỗi lần uống cần giảm lượng đường, sữa và thay đổi thể tích ly, chọn size vừa và nhỏ. Nên chọn mua trà sữa có nguồn gốc uy tín, kiểm định rõ ràng. Ngoài ra, tích cực hoạt động thể chất như tập thể dục, chạy bộ... để kiểm soát cân nặng, tăng cường trao đổi chất và hệ miễn dịch.
Bạn có thể tự nấu trà sữa tại nhà bằng cách mua trà và sữa tươi trộn với sữa đặc, tự pha chế, sử dụng thêm dừa non cắt nhỏ, trái cây, hạt chia... ăn kèm.
Cẩm Anh