"Kẻ hiếp trẻ em thắng giải tại LHP Venice" - tờ The Blast cùng hàng loạt báo Mỹ đưa tin tương tự khi phim An Officer and a Spy của Roman thắng giải Grand Jury Prize tại Italy hôm 7/9. Bị khởi tố năm 1978, Roman Polanski không được truyền thông Mỹ gọi là đạo diễn, thay vào đó là những từ "kẻ hiếp dâm" hay "tội phạm bỏ trốn" trước tên.
Tám thập kỷ sống của Roman Polanski là chuỗi hành trình trốn chạy khỏi nạn diệt chủng Holocaust, án tù ấu dâm và những chỉ trích của công chúng, theo Hollywood Reporter.
Sinh năm 1933 tại Paris trong gia đình Do Thái, Roman Polanski mang hai dòng máu Ba Lan và Nga. Năm ba tuổi, ông cùng cha mẹ đến thành phố Kraków, Ba Lan định cư - cùng thời điểm Phát xít Đức tấn công nơi đây và mở màn Thế chiến Hai. Mỗi lần nghe O mein Papa, Roman hồi tưởng cảnh bước vào phòng khách sạn và thấy cha đang khóc trên sàn khi radio phát ca khúc tiếng Đức. "Đó là ca khúc được phát trên loa công cộng, khi quân Phát xít bắt người đẩy lên các xe tải đi tập kết, trước sự bất lực của gia đình họ", ông nói.
Sáu tuổi, Roman lần đầu chứng kiến đợt truy quét dân Do Thái của quân Đức. Một sĩ quan dùng súng lục bắn chết một phụ nữ vì kiệt sức, không bước kịp tốc độ của đoàn tù binh trong khi Roman trốn sau tòa nhà gần đó, chứng kiến tất cả với hai bàn tay nắm chặt. Năm Roman chín tuổi, mẹ ông bị nhốt trong trại tập trung tại Auschwitz (Ba Lan) - nơi bà bị giết cùng hàng nghìn người Do Thái khi đang mang thai. Cha ông sau đó bị chuyển đến thành phố Mauthausen (Áo). Khi thấy cha bị xích tay trong đoàn tù nhân, Roman chen qua đoàn người đến gần. Sợ con bị lính Đức phát hiện, người cha chỉ kịp nói: "Hãy trốn khỏi đây" rồi bị đẩy lên xe tải.
Với sự giúp đỡ từ một người bạn của cha mẹ, Roman trốn sự truy lùng của lính Phát xít tại các nhà thờ ngoại ô Kraków, đóng giả đứa trẻ theo Công giáo. Thế chiến Hai kết thúc, ông đoàn tụ cha và bắt đầu cuộc sống mới, theo học trường điện ảnh tại Lodz (Ba Lan) và tốt nghiệp năm 1959. "Tôi yêu phim từ nhỏ, qua các buổi chiếu của lính Đức vì nơi tôi sống không có rạp chiếu bóng", ông từng nói.
Thập kỷ 1960, Roman bắt đầu đạo diễn phim điện ảnh và nhanh chóng có các tác phẩm gây chú ý như Knife in the Water (1962), Repulsion (1965) hay Cul-de-sac (1966). Khi sản xuất phim The Fearless Vampire Killers (1967), ông quen nữ diễn viên Sharon Tate và kết hôn sau vài tháng hẹn hò. Trước Sharon, Roman từng cưới diễn viên Barbara Kwiatkowska-Lass từ năm 1959 đến 1962 và có một con gái.
Thành công tại châu Âu, Roman cùng Sharon đến Hollywood thử vận may. Đạo diễn gây tiếng vang với bộ phim đầu tay tại Mỹ - Rosemary's Baby (1968) - nhưng cũng chịu thảm kịch tiếp theo, khi vợ ông bị băng đảng Gia đình Manson giết tại nhà riêng ở Hollywood một năm sau đó, khi mang bầu tám tháng rưỡi. Vụ án xảy ra khi Roman đang ở châu Âu sản xuất phim A Day at the Beach. Trong tự truyện Roman Polanski: Nghệ sĩ thoát thân, đạo diễn cho biết cuộc hôn nhân với Sharon Tate là "quãng thời gian hạnh phúc hiếm hoi" và cái chết của vợ khiến ông trở nên bi quan, bất mãn.
Năm 1977, ông bị tố cáo cưỡng bức Samantha Geimer, lúc đó 13 tuổi, tại nhà riêng của tài tử Jack Nicholson. Sau thời gian thỏa thuận với tòa án Mỹ, đạo diễn đồng ý thú tội "quan hệ tình dục bất hợp pháp" với cô bé, nhẹ nhất trong sáu cáo buộc phải nhận. Ông được cho phép về châu Âu để hoàn thành dự án phim. Khi trở lại Mỹ, Roman được luật sư thông báo về khả năng phải lĩnh án tù 50 năm. Ngày 31/1/1978, ông bỏ trốn đến London (Anh), bắt đầu cuộc đào tẩu thứ hai khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Roman mất bảy năm để ổn định cuộc sống trước khi trở lại làm phim, với các dự án như Pirates (1986), Frantic (1988), Bitter Moon (1992)... Tại Anh, ông gặp nữ diễn viên Emmanuelle Seigner và kết hôn cho tới nay. Năm 2002, đạo diễn phát hành The Pianist - thắng ba giải Oscar quan trọng gồm đạo diễn, nam chính và kịch bản chuyển thể xuất sắc. Khi tài tử Harrison Ford công bố Roman thắng giải, toàn bộ khách mời tại nhà hát Kodak đứng vỗ tay tán thưởng đạo diễn - người lúc này trốn tại châu Âu vì lệnh truy nã của chính phủ Mỹ.
Năm 2009, Roman Polanski bất ngờ bị chính quyền Thụy Sĩ bắt khi tham gia LHP Zurich. Ông không bị dẫn độ về Mỹ mà bị giam tại Thụy Sĩ. Vụ việc gây chấn động làng điện ảnh. Theo Guardian, ban tổ chức LHP Zurich gọi nó là "scandal về văn hóa" và chỉ trích chính quyền Thụy Sĩ. Bộ trưởng Văn hóa Pháp bấy giờ - ông Frédéric Mitterrand - nói buồn vì nhiều người vẫn không tha cho Roman, đạo diễn tài năng vốn có quá khứ đầy đau thương, mất mát. Còn Roman cho rằng vụ ấu dâm đã kết thúc và ông đã bị giam ở Thụy Sĩ đủ thời gian so với bản án người Mỹ ban hành.
Chuỗi ngày trốn chạy của Roman chưa dừng lại sau những ngày ông bị giam giữ. Theo Los Angeles Times, chính quyền và công chúng Mỹ không chấp nhận đạo diễn lĩnh án tại nước ngoài. Lệnh truy nã không được gỡ bỏ và cụm từ "tội phạm hiếp dâm trẻ em" vẫn đeo bám ông cho đến nay.
Sau vụ án năm 1977, Roman bị thêm bốn phụ nữ kiện hiếp dâm. Năm 2018, Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ đuổi Roman khỏi tổ chức khi làn sóng chống quấy rối và xâm hại tình dục Metoo lan rộng tại Hollywood.
Cây viết Peter Flax của Hollywood Reporter nói cuộc đời của Roman Polanski là nguyên liệu tuyệt vời cho kịch bản phim. Tuy nhiên, đạo diễn cho biết không bao giờ mang đời mình lên màn ảnh. Bên cạnh những chỉ trích, nhiều ngôi sao Hollywood như Scarlett Johansson, Tilda Swinton... kính trọng và bảo vệ ông. Ở tuổi 86, Roman vẫn tiếp tục làm phim nhưng ít xuất hiện trước công chúng vì nỗi lo bị bắt dẫn độ về Mỹ. Tại LHP Venice, ông được bắt gặp đến tham dự nhưng để vợ thay mặt lên nhận giải.
Đạt Phan