"Bệnh nhân 1465" là một trong hai ca nặng, được các chuyên gia trong Tổ Hội chẩn, thuộc Bộ Y tế, hội chẩn trực tuyến sáng 7/1. Ca nặng còn lại là "bệnh nhân 1405", 74 tuổi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Đây là cuộc hội chẩn quốc gia đầu tiên sau khoảng ba tháng không ghi nhận các bệnh nhân Covid-19 chuyển biến nặng hay bất thường.
"Bệnh nhân 1465", nữ, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ Mỹ về Việt Nam hôm 21/12, cách ly tại Quốc Oai, Hà Nội. Người này có tiền sử cắt thùy giáp bên phải. Ngày 26/12, bà mệt mỏi, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, sau đó chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 31/12. Những ngày tiếp theo bệnh nhân mệt nhiều, run chân tay, chán ăn, sử dụng thuốc an thần, thở máy.
Đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh nhân có biểu hiện suy giáp, cơ yếu, thường xuyên có cơn rét run, hạ thân nhiệt, "cơn bão cytokine" xuất hiện, biểu hiện suy tim, tắc mạch phổi.
"Bão cytokine" là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt chất cytokine gây viêm, khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt.
Giai đoạn trước, bệnh nhân phi công Anh, 43 tuổi, cũng mắc hội chứng "bão cytokine", là ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam, từ đầu dịch đến nay. Hội chứng "bão cytokine" khiến hệ miễn dịch chống lại chính cơ thể, phổi đông đặc hơn 90%, sống phụ thuộc hệ thống ECMO - tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (tim phổi nhân tạo)... Nam phi công Anh phải trải qua hai giai đoạn điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và hồi sức tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong suốt quá trình, Tiểu ban Điều trị và chuyên gia đầu ngành các bệnh viện đã lập nhiều group để hội chẩn đưa ra các phác đồ điều trị riêng.
Lần này, với "bệnh nhân 1465", Hội đồng Chuyên môn đề nghị các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xem xét lọc máu, đặt ECMO; theo dõi các chỉ số tim mạch, nội tiết, tăng cường dinh dưỡng tĩnh mạch.
Hội đồng chuyên môn cũng điều phối thuốc kháng virus remdesivir từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để kịp thời điều trị bệnh nhân.
Ca nặng còn lại, "bệnh nhân 1405", nam, từ Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam, tiền sử mắc các bệnh mạn tính như viêm gan B, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Ông nhập viện ngày 7/12 vì nôn ra máu, viêm phổi nặng, nhiễm amip đường ruột, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, suy tim, suy gan/xơ gan tiến triển... Hiện tại bệnh nhân tỉnh, bụng chướng nhẹ, tràn dịch màng phổi hai bên.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi do nCoV bội nhiễm kèm theo nhiều bệnh nền nặng.
Hội đồng chuyên môn nhận định bệnh nhân này đã được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam điều trị tích cực, hiện tiến triển tốt hơn song tiên lượng còn nặng, tiếp tục theo dõi.
Đến chiều 6/1, Việt Nam ghi nhận 1.505 ca Covid-19, tổng số ca khỏi 1.353, 35 người đã tử vong, 4 người tử vong sau xét nghiệm âm tính 3-4 lần.