Thứ trưởng Sơn trưa 4/6 cho biết phổi của bệnh nhân đã phục hồi được 40%. Bệnh nhân cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc.
"Bệnh nhân đã thấy tia sáng cuối đường hầm nhưng có ra được cửa hầm hay không thì cần nhiều thời gian điều trị nữa", Thứ trưởng Sơn nói với VnExpress.
Hôm nay, Tiểu ban Điều trị và Hội đồng chuyên môn, Bộ Y tế, hội chẩn ba miền lần thứ 4 để thống nhất phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Bệnh nhân hiện tỉnh táo, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn, chức năng thận đã hồi phục. Tình trạng nhiễm trùng giảm hơn so với trước khi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân đã ngưng sử dụng ECMO sáng 3/6, song vẫn duy trì thở máy. Anh cũng còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác.
Thứ trưởng Sơn bày tỏ hy vọng thời gian tới vùng phổi xơ sẽ gom lại, tình trạng phổi bệnh nhân tốt hơn. Bộ Y tế vẫn chuẩn bị sẵn sàng phương án ghép phổi cho bệnh nhân.
Trong những ngày tới, bệnh nhân tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn mới. Song song đó, bệnh nhân tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp.
Thứ trưởng Sơn cũng cho biết các đơn vị bảo hiểm nước ngoài đang làm việc với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy để tiến hành chi trả viện phí cho bệnh nhân.
Phi công người Anh nhiễm nCoV sau khi đến quán bar Buddha, TP HCM. Khi nhập viện ngày 18/3, bệnh nhân sức khỏe ổn định, sau đó đột ngột trở nặng. Có thời điểm phổi gần như bị đông đặc, phải can thiệp ECMO từ ngày 6/4 đến 3/6. Đến nay, anh đã trải qua 78 ngày điều trị, là bệnh nhân Covid-19 có số ngày điều trị dài nhất tại Việt Nam.