Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn, Đà Nẵng, cho biết "bão cytokine" đang khiến tình trạng suy đa tạng của các bệnh nhân nặng thêm trầm trọng.
Covid-19 lần này xuất hiện ở nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý nền nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, suy gan giai đoạn cuối, suy đa phủ tạng, suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì... Việc họ nhiễm nCoV khiến toàn trạng trở nặng hơn.
"Khi xảy ra tình trạng 'bão cytokine', một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả cơ quan trong cơ thể, tình trạng suy đa phủ tạng sẽ nặng hơn", bác sĩ Sơn giải thích.
"Bão cytokine" là hội chứng mà "bệnh nhân 91", phi công người Anh, mắc phải trong đợt dịch trước. Anh ta đã hôn mê sâu hơn hai tháng, phổi gần như đông đặc hoàn toàn, phải lọc máu liên tục, sống hoàn toàn phụ thuộc vào can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Sự hồi phục của anh này được đánh giá là thần kỳ.
Để so sánh, bệnh nhân phi công là ca nặng nhất, song không mắc nhiều bệnh lý nền trừ béo phì, tuổi lại trẻ, 43. Các bệnh nhân tại Đà Nẵng có bệnh nền nặng kéo dài, gây ra nhiều biến chứng như suy tim, suy thận, suy kiệt cơ thể. Do đó khả năng đáp ứng điều trị của các bệnh nhân tại Đà Nẵng so với "bệnh nhân 91" là rất kém, theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn nhìn nhận "bão cytokine" khiến việc điều trị các bệnh nhân có bệnh nền nặng rất khó khăn. Các bác sĩ không chỉ điều trị riêng Covid-19, mà còn phải điều trị các bệnh khác. Đặc biệt, với bệnh nhân suy đa tạng, cần kỹ thuật hồi sức phức tạp như can thiệp ECMO.
Bệnh nhân suy đa tạng, tức quá trình hồi sức tích cực không chỉ hồi sức một bộ phận trong cơ thể mà phải hồi sức liên tục nhiều bộ phận trên cùng một cơ thể. Ví dụ, bệnh nhân phải hồi sức thận, tim, cùng lúc lọc máu liên tục để duy trì cân bằng của cơ thể. Suy đa tạng dẫn đến nhiễm trùng, đẩy bệnh nhân vào tình trạng tiếp tục suy các cơ quan tạng khác, thậm chí có những cơ quan không thể hồi phục được vì đã ở giai đoạn cuối. Cuối cùng là cơ thể không thể chống đỡ nổi, bệnh nhân tử vong.
"Ví dụ, bệnh nhân chạy thận nhân tạo giai đoạn cuối, chức năng thận không thể hồi phục được, nếu tiếp tục có các biến chứng nặng hơn của tình trạng tim mạch, hô hấp liên quan đến những tiến triển do bệnh nền, thì vô cùng khó để có thể giữ được sự sống của bệnh nhân", bác sĩ Sơn nói.
Hơn 200 chuyên gia đầu ngành về ECMO, thận nhân tạo, tim mạch, đái tháo đường, điều trị sốc, điều trị bệnh truyền nhiễm và các bệnh nhiễm trùng khác, từ cả nước có mặt tại Đà Nẵng hỗ trợ điều trị bệnh nhân.
"Tất cả chúng tôi cùng chung tay để đưa ra các hướng điều trị tốt nhất, nỗ lực từng giây để tìm cơ hội cứu sống bệnh nhân", bác sĩ Sơn nói. "Mỗi một bệnh nhân ra đi để lại nỗi buồn, niềm nuối tiếc và cảm giác bất lực của đội ngũ y tế trực tiếp điều trị".
Trong số bệnh nhân nặng đang được điều trị, có những ca tiên lượng rất xấu, bác sĩ cho biết.
"Chúng tôi hy vọng sẽ có các tín hiệu vui của một số bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên trên nhóm bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền nặng thì khả năng tìm cơ hội sống cho họ khó khăn hơn gấp hàng trăm, nghìn lần so với bệnh nhân tổn thương nhẹ", bác sĩ Sơn nói.
Tính đến sáng nay, tổng số ca nhiễm cả nước lên 911, trong đó 425 người đã khỏi, 21 ca tử vong, còn 465 bệnh nhân đang điều trị. Khoảng 15 bệnh nhân Covid-19 đang trong tình trạng nặng, nguy kịch.