Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết năng lượng của bánh trung thu chủ yếu từ tinh bột, đặc biệt là các loại bánh dẻo. Một bánh trung thu khoảng 170 g cung cấp từ 500 đến 700 kcal tùy theo loại bánh và thành phần. Trong khi đó, một ly trà sữa 500 ml chứa 300 đến 400 kcal.
Ăn bánh trung thu, nếu bạn không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày dễ dẫn đến dư thừa năng lượng, tăng cân, béo phì, rối loạn đường huyết, tăng nguy cơ đái tháo đường. Thành phần dinh dưỡng không cân đối (tỷ lệ cao carbohydrate và chất béo), không đầy đủ vitamin và ít chất xơ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Theo bác sĩ Niên, nhu cầu năng lượng trung bình của một người lớn khoảng 1.800-2.000 kcal. Nếu ăn bánh mọi người cần cân nhắc tổng thể năng lượng, thành phần dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt. Từ đó điều chỉnh lượng thức ăn khác trong ngày. Ngoài ra, kết hợp tập luyện để tăng mức tiêu hao năng lượng trong cơ thể.
Người bệnh đái tháo đường đặc biệt lưu ý đến khả năng tăng đường huyết sau ăn do thành phần của bánh trung thu là carbohydrate dễ hấp thu và đi nhanh vào máu.
Bác sĩ Niên khuyên để không tăng cân và không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, nên ăn bánh với tinh thần thưởng thức trung thu. Mỗi lần ăn chỉ một phần nhỏ (1/8-1/4 cái bánh) hoặc sử dụng bánh cho người ăn kiêng.
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết bánh trung thu có nguy cơ nhiễm khuẩn cao do quá trình chế biến cầu kỳ, nhiều khâu nhào trộn và nguyên liệu hỗn hợp đa dạng. Do đó, chỉ cần một công đoạn không đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm có thể dẫn đến nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng.
Bánh bảo quản tốt nhất ở nơi mát và tối. Sau khi bóc ra nên ăn hết trong ngày, nếu cần bảo quản thì phải bọc kín trong túi chuyên đựng thức ăn. Môi trường phải luôn mát và sạch sẽ, không nên để bánh dưới thời tiết nắng nóng, trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ dễ bị ôi thiu, ảnh hưởng đến chất lượng, bác sĩ Phi khuyến cáo.