Năm ngoái, tham gia một số khóa học trên Navoica, tôi đã rất ấn tượng với cách đào tạo qua môi trường học tập ảo, nhưng kiến thức, giá trị thu về là thật.
Nền tảng này đã thiết kế chương trình học rất dễ sử dụng, dễ tiếp cận, lựa chọn các công cụ thu hút, các phương tiện chuyển tải bằng video, âm thanh, trò chơi, câu đố, đồ họa rất sinh động.
Đây là nền tảng giáo dục chính thức của chính phủ Ba Lan. Tương tự Cousera, nơi cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí, được giảng dạy bởi giảng viên từ các đại học và tổ chức giáo dục hàng đầu nước này. Mục tiêu của Navoica là tiếp cận tất cả những ai muốn học, không phân biệt tuổi tác và nơi cư trú, kể cả một người Việt như tôi.
Chương trình được thành lập như một phần của dự án mang tên "Ba Lan MOOC", do Bộ Giáo dục và Khoa học Ba Lan khởi xướng và chủ trì. Viện Xử lý thông tin quốc gia Ba Lan, nơi tập trung các chuyên gia và kỹ sư công nghệ hàng đầu đã tạo ra và không ngừng phát triển nền tảng này. Các khóa học bao gồm cả tiếng Anh và tiếng Ba Lan, được thiết kế bởi hơn 30 đại học và học viện.
Đại dịch đặt ra nhu cầu thay đổi rất lớn về giáo dục. Trước đại dịch, chúng ta đã làm quen với khái niệm EdTech hoặc EduTech. EdTech là việc áp dụng công nghệ vào giáo dục, là sự kết hợp giữa hai từ "giáo dục" (education) và "công nghệ" (technology).
Khi giãn cách buộc chúng ta quay vào bên trong, làm việc từ xa, học tại nhà cũng là lúc khái niệm MOOC - giáo dục trực tuyến mở đại trà qua Internet - được nhắc đến nhiều hơn.
Rất nhiều quốc gia đang sử dụng EdTech để hỗ trợ tiếp cận học tập từ xa trong đại dịch. Ở Phần Lan chẳng hạn, môi trường học tập ảo được sử dụng rộng rãi trong điều kiện bình thường, kể cả trước đại dịch. Cơ quan giáo dục của nước này hướng dẫn các trường lập kế hoạch và tổ chức các hình thức sắp xếp dạy và học khác nhau. Một số công cụ được sử dụng phổ biến giúp sinh viên thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập và tham dự các lớp học trực tuyến là Moodle, Google Classroom, Ville, Teams, O365, Skype và Zoom.
Rõ ràng, đối với các cơ sở đào tạo, công nghệ là yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều cơ sở giáo dục đại học khắp thế giới đã áp dụng dạy trực tuyến như một cách để thích ứng và không đứt gãy cơ hội học tập của sinh viên.
Thế giới thay đổi từ năm 2020. Chỉ một máy tính, một cú nhấp chuột, cơ hội tự học, tự hoàn thiện bản thân cho mỗi cá nhân mở ra, góp phần hình thành nên những thế hệ tiếp nối năng động và tiến bộ về kỹ năng số.
Tôi tin, ngành giáo dục Việt Nam đang có nhiều lý do để quan tâm đến kỹ năng tin học, chú trọng đến các nền tảng công nghệ giáo dục online. Và việc này không đơn giản chỉ là chuyển các lớp học từ tập trung lên mạng; chuyển giáo khoa từ sách giấy sang bản điện tử, sử dụng các giải pháp tình thế như dồn tiết học, thu gọn để giảm tải tạm thời như chúng ta đang loay hoay thực hiện.
Gần một tháng đã trôi qua từ ngày khai giảng, phụ huynh Việt Nam dường như chưa thôi bỡ ngỡ về việc dạy và học online mà con họ đang là chủ thể. Chưa bao giờ tôi nghe thấy nhiều than phiền, lo lắng và câu hỏi xung quanh việc học hành của con em như lúc này.
Nếu không nghĩ tới một chiến lược dạy và học trong bối cảnh đã khác, có sự kết hợp kỹ lưỡng và sáng tạo với các nền tảng công nghệ, tôi sợ rằng, hàng triệu phụ huynh lại tiếp tục hoang mang trước rất nhiều "phòng học" trên Zoom hay Google meet cùng dạy một khung giờ, một chương trình và cùng gặp một loạt vấn đề chung như nghẽn mạng, tín hiệu đường truyền kém, hiệu quả giảng dạy không cao. Hàng triệu trẻ em và gia đình tiếp tục rối bời. Hàng triệu sinh viên tiếp tục kẹt lại ở ký túc xá, các phòng trọ chật hẹp chỉ vì lỡ chuyến tàu về quê, cố nán lại chờ ngày học tập trung.
Thế giới đã xác định sống chung với Covid-19 nên tất cả phải sẵn sàng cho một cuộc sống hậu phong tỏa. Với ngành giáo dục, hình thức đào tạo kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến lâu dài trên những nền tảng dễ cho người dùng chắc chắn phải tính tới, nếu không nói là đã muộn.
Tôi nhấn mạnh "dễ cho người dùng", bởi tôi chưa thấy nền tảng học trực tuyến nào hiện nay của ngành giáo dục đáp ứng được nhu cầu này cho người Việt Nam.
Trong một báo cáo mới đây về chủ đề "Học từ xa, công nghệ giáo dục và đại dịch Covid-19", Ngân hàng Thế giới đã giới thiệu sơ bộ và chỉ ra cách làm đáng tham khảo từ các quốc gia. Các tác giả đã chỉ rõ các nguồn lực, sáng kiến, chia sẻ cách làm và mô hình giáo dục khi trường học phải tạm đóng cửa do đại dịch.
Có nhiều lý do để người ta nghĩ đến một cổng giáo dục trực tuyến đại trà - MOOC riêng của Việt Nam, nơi "các lớp học ở nhà" cung cấp quyền truy cập miễn phí cơ hội học tập cho tất cả mọi người, ở mọi nơi.
Khi ngành chủ quản có một chiến lược, các cơ sở đào tạo sẵn sàng, tôi tin người trẻ ngày nay đủ thông minh để chủ động trang bị cho mình kỹ năng đặc biệt quan trọng: học và hoàn thiện bản thân trong mọi hoàn cảnh.
Nguyễn Thị Hồng Chi