Ngày 5/9, ông Lê Dân (82 tuổi, ở Bình Dương), được cháu đưa đi tiêm vaccine cúm và phế cầu khuẩn tại VNVC Công viên Thanh Lễ. Anh Phát, cháu ông Dân, cho biết cụ ông bị tai biến cách đây hơn 10 năm, từ đó đến nay sức khỏe yếu, khó vận động. Bác sĩ gợi ý ông tiêm vaccine cúm và phế cầu để bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ nhập viện.
Anh Phát cho biết gia đình đã duy trì tiêm chủng cho ông được 5 năm. Anh mong ông nội và gia đình sẽ có sức khỏe tốt sau khi tiêm, dù phải chạy xe ôm công nghệ nhiều hơn để lo đủ kinh phí tiêm chủng.
Thời gian đầu, ông Dân từ chối do cho rằng sống chết đã có số, không cần phòng bệnh và sợ đưa chất lạ vào cơ thể sẽ có hại. Khi được con cháu và bạn bè giải thích vaccine an toàn, ông mới đồng ý tiêm chủng.
Còn ông Trương Hữu Phúc (63 tuổi, quận Phú Nhuận) đưa mẹ đến VNVC tiêm vaccine cúm. Bà cụ tên là Lê Thị Bông, năm nay 91 tuổi, có đôi chân yếu, phải nhờ xe lăn và con trai hỗ trợ di chuyển, cho biết vẫn sống khỏe mạnh và không mắc bệnh vặt nhờ tiêm vaccine đều đặn 10 năm nay.
"Sức khỏe mẹ ngày một yếu nên tôi muốn dành những điều tốt nhất cho bà. Tiêm vaccine tiết kiệm hàng chục lần về tiền bạc so với khi đi điều trị vì người già một khi đổ bệnh thì rất nguy hiểm", ông Phúc nói.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, sau đại dịch Covid-19, người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc chủ động bảo vệ sức khỏe bằng vaccine. Trong 4 tháng gần đây, tỷ lệ khách hàng đưa người thân đến VNVC tiêm vaccine, tặng món quà sức khỏe, tăng 50% so với 4 tháng đầu năm. Khách hàng thường là con, cháu trong gia đình. 3 loại vaccine được quan tâm và lựa chọn tiêm nhiều gồm vaccine cúm, phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván.
Bác sĩ Chính đánh giá xu hướng này cho thấy quan niệm về tiêm vaccine và phòng bệnh của người dân đã thay đổi. Trước đây, mọi người cho rằng chỉ trẻ em mới cần tiêm chủng. Ngày nay, nhiều người đã chủ động phòng bệnh hơn, đồng thời có thêm các vaccine dành cho người lớn, người già, phụ nữ mang thai.
"Khi VNVC mới ra đời năm 2017, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi chiếm khoảng 85%; còn người trên 18 tuổi, người già, người có bệnh nền chỉ chiếm khoảng 15%. Sau gần 6 năm xuất hiện, tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm đối tượng bị lãng quên được cải thiện rõ rệt và tăng qua từng năm tại VNVC", bác sĩ Chính cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết người cao tuổi luôn nằm trong nhóm nguy cơ cao của nhiều mặt bệnh, ví dụ cúm, viêm gan B, ho gà, ung thư... Lý do là chức năng miễn dịch của người cao tuổi đã suy giảm và thường mắc cùng lúc nhiều bệnh nền về tim mạch, phổi, gan, dẫn tới tỷ lệ trở nặng, tử vong cao. Mặt khác, một số bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng rõ ràng ở người già khiến điều trị muộn và dễ lây nhiễm cho thành viên trong gia đình, ví dụ ho gà.
Bên cạnh đó, trước năm 1985, Việt Nam chưa có chương trình tiêm chủng mở rộng, nên nhóm người cao tuổi chưa tiếp cận nhiều vaccine. Nhiều người đã tiêm chủng song không tiêm nhắc lại, khiến cho kháng thể suy giảm theo thời gian.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành, người cao tuổi tiêm vaccine đầy đủ, trong đó có vaccine cúm, phế cầu và ho gà. Vaccine giúp tăng đề kháng cho hệ hô hấp và bảo vệ lá phổi. Ngoài ra, người dân cũng cần chủ động tiêm các vaccine: thủy đậu, sởi - quai bị - rubella... để phòng những bệnh theo mùa đến hẹn lại lên.
"Tiêm vaccine là cách tự trang bị cho bản thân "tấm lá chắn" hữu hiệu với tác nhân gây bệnh, đồng thời giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, giảm tỷ lệ lưu hành dịch bệnh", bác sĩ Nga nói.
Mộc Thảo