Quận 4 ở TP HCM nổi tiếng với món phá lấu. Cứ len lỏi trong các con đường từ lớn tới nhỏ, bạn sẽ bắt gặp hàng chục quán phá lấu ăn kèm bánh mì hoặc mì gói. Tại khu chợ 200 nằm trên đường Xóm Chiếu, quán phá lấu bà Oanh là địa chỉ quen thuộc để thực khách nhâm nhi lúc xế chiều.
Bà Nguyễn Thị Oanh, 60 tuổi, chủ quán, chia sẻ nghề phá lấu bà học được từ mẹ, đến nay đã bán được hơn 20 năm. "Hồi trước khu này chưa có nhiều người bán phá lấu, tôi bán từ thời còn 2.000 đồng/chén cho học sinh, sinh viên. Tới nay lên giá 30.000 đồng/chén và vẫn có nhiều người ghé ăn tìm hương vị xưa", bà Oanh nói.
Không gian quán nhỏ hẹp hơn ngày trước nhưng những khách lâu năm vẫn tìm đến món phá lấu bà Oanh nhờ hương vị "không lẫn đi đâu được". Theo bà, muốn phá lấu ngon thì khâu chọn lựa nguyên liệu, làm sạch lòng bò rất quan trọng. Ngoài ra, bà chọn nấu phá lấu với nước dừa, như một bí quyết riêng để nước đậm đà, thanh ngọt và giảm độ tanh của lòng bò.
"Tôi không bao giờ nấu phá lấu bằng nước lọc, lòng bò sẽ bị tanh ngay. Tôi nêm nếm, nấu ăn theo khẩu vị của riêng, mình thấy ngon, hài lòng thì mới đem bán cho khách", bà Oanh chia sẻ.
Ngoài món phá lấu theo kiểu truyền thống, quán ăn của bà Oanh còn có thêm kiểu phá lấu chiên, hương vị không quá khác biệt. Tại đây, phá lấu có đa dạng thành phần nội tạng bò như khăn lông, tổ ong, lá sách, bao tử, ruột, gan... đều được nấu mềm và thơm dậy mùi gia vị tẩm ướp.
Chị Kim Xuyến, 30 tuổi, cư dân quận 4, cùng chồng ngồi ăn phá lấu tại tiệm ban chiều, nói hai người thường gọi hai chén phá lấu chiên và phá lấu nấu để ăn kèm bánh mì, xong sẽ gọi thêm 1-2 chén nữa để ăn cho ngon miệng. "Tính riêng chợ 200 này thôi đã có chừng 5 quán bán phá lấu, nhưng tôi hay ghé tiệm dì Oanh, đồ ăn đầy đặn và nước mắm tắc ớt pha rất thơm, chấm cùng lòng bò mềm", chị nói.
Còn anh Hoài Khanh, 23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh cho biết khá ấn tượng với nước phá lấu vì thơm và ngọt thanh, vị dịu, không quá béo ngậy nước cốt dừa như những hàng quán khác. "Lòng bò nấu mềm, không có mùi tanh, duy có phần ruột non ăn thấy hơi nhũn, kiểu nguyên liệu chưa tươi lắm và có vị đắng nhẹ", anh nói và cũng chia sẻ thêm, không gian quán nhỏ nên phù hợp với nhóm ít người. Khách nên gửi xe ở cuối chợ để thuận tiện tham quan, ăn uống.
Buổi sáng khu chợ 200 đa số là các hàng bán quần áo, đến 13h, nhiều hàng ăn uống mới mở ra. Nhịp sống Sài Gòn về chiều, đêm lại sôi động theo một kiểu mới với mùi thơm thức ăn, tiếng chiên xào, gọi món, tính tiền rộn rã và không thể thiếu tiếng xe máy, tiếng kèn nhộn nhịp trên đường.
Huỳnh Nhi