Trả lời:
Nước hoặc trà chanh với mật ong nên uống vào sáng sớm, rất có lợi cho sức khỏe trong mùa lạnh và mùa cúm. Lý do là chanh và mật ong có đặc tính kháng khuẩn, giàu chất chống oxy hóa, cùng với vitamin C rất tốt cho cơ thể. Vào những ngày trời trở lạnh, mật ong được nhiều người sử dụng như là vị thuốc thiên nhiên để ngăn ngừa bệnh cảm cúm và viêm nhiễm đường hô hấp.
Người bị cảm lạnh, ho, viêm họng, uống mật ong với nước ấm sẽ có tác dụng hiệu quả để làm ấm họng và làm dịu cảm giác đau buốt. Ngoài ra, mật ong còn là phương thuốc dân gian có tác dụng trị ho.
Nước cốt chanh cùng một chút mật ong giúp loại bỏ độc tố ra khỏi dạ dày. Với người thường ăn khuya hoặc ăn thực phẩm chứa nhiều dầu, chất béo, chanh và mật ong sẽ giúp làm sạch dạ dày để bắt đầu ngày mới. Chanh chứa khoáng chất, vitamin, giúp gan sản xuất mật, hỗ trợ tiêu hóa. Nước chanh ấm rất tốt nhu động ruột. Ngoài ra, lượng acid nitric có trong thức uống này cũng có thể tẩy các gốc tự do và các chất độc từ hệ thống tiêu hóa.
Trong quả chanh có các tinh chất giúp kiểm soát và loại bỏ dầu thừa khỏi bề mặt của da. Do đó, nước chanh với mật ong là phương thuốc tốt để làn da khỏe mạnh và không có mụn trứng cá. Một cốc nước mật ong ấm mỗi sáng sẽ giảm cảm giác thèm ăn và hạn chế nhu cầu uống những loại nước uống có ga chứa nhiều đường. Chính vì vậy, mọi người có thể giảm cân hiệu quả khi kiên trì uống mỗi cốc nước mật ong trước khi ăn sáng.
Chanh và mật ong cũng là phương pháp tự nhiên để làm sạch răng miệng sau giấc ngủ dài, giúp hơi thở thơm mát. Mật ong cũng giúp diệt vi khuẩn gây mùi khó chịu trong miệng.
Mọi người đều có thể uống nước, trà chanh mật ong, trừ những người bị trào ngược dạ dày thực quản, người bị mòn răng và trẻ em, cơ thể có vết loét, viêm khớp, loãng xương, đang mang thai và cho con bú. Lý do là chanh có lượng acid cao, gây kích ứng dạ dày và buồn nôn, làm mòn men răng. Trà chứa nhiều caffein, có thể có tác dụng phụ gây sảy thai, táo bón hoặc hiện tượng rong kinh, đều không tốt cho sức khỏe phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Người mắc bệnh tim mạch không nên uống trà chanh mật ong. Lý do là trong trà có nhôm, chất này khi hấp thụ vào cơ thể, có thể gây độc, bệnh não, loãng xương, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng khối lượng thất trái và giảm chức năng cơ tim, thiếu máu và thậm chí đột tử.
Người cao tuổi có nguy cơ bị mắc Alzheimer cũng không được dùng trà chanh. Bệnh Alzheimer's (AHLZ-high-merz) tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Uống trà chanh thường xuyên có thể gây tích tụ mảng bám trong não, có liên quan đến sự khởi phát của bệnh Alzheimer.
Để pha chanh mật ong, mọi người vắt nước cốt của nửa quả chanh vào một cốc nước ấm, sau đó thêm một muỗng cà phê mật ong và điều chỉnh cho hợp khẩu vị. Nước ấm có thể thay bằng nước trà xanh để tăng thêm hương vị thơm ngon cho món nước.
Tuy nhiên, chanh mật ong có thể gây hại nếu không sử dụng đúng cách. Acid citric trong chanh có thể bào mòn men răng, về lâu dài sẽ khiến răng yếu dễ bị sâu răng hay sứt mẻ. Chất này cũng làm tăng tiết acid dạ dày, có thể gây ra chứng ợ chua, ợ nóng ở một số người. Do đó người có bệnh dạ dày không uống nước chanh vào buổi sáng khi chưa ăn gì; chỉ sử dụng một vài giọt nước cốt chanh trong mỗi lần pha chế, không nên dùng nhiều.
Mật ong là một loại đường bổ sung. Một muỗng mật ong có 60 calo và 16 g đường. Vì vậy, mọi người không nên sử dụng quá nhiều. Sau khi uống nước chanh mật ong, hãy súc miệng bằng nước để ngăn acid citric trong nước chanh xói mòn men răng.
TS. BS Trương Hồng Sơn
Viện trưởng Y học Ứng dụng Việt Nam