Trong năm 2022 nhiều doanh nghiệp nhắm đến xây nhà 25-27 triệu đồng một m2, khoảng một tỷ đồng một căn, mở ra hy vọng hạ nhiệt cơn khát nhà giá rẻ. Theo một khảo sát, nhà thương mại giá một tỷ đồng đã biến mất trên thị trường những năm gần đây.
Theo xu hướng tăng của bất động sản ở thành thị, độc giả luu bang chau cho rằng mức giá trung bình m2 không rẻ: "Tôi không hiểu mức giá 25- 27 triệu đồng một m2 rẻ chỗ nào. Rẻ với người thu nhập cao chăng? Nếu diện tích là 40m2 giá 1 tỷ đồng thì rộng hơn phòng trọ, nhưng chưa đủ cho gia đình 4 người".
Trong khi đó, độc giả có nickname xuantubka ủng hộ những căn nhà một tỷ đồng:
"Thực tế bây giờ tìm ở Hà Nội không kiếm đâu ra nhà giá một tỷ đồng? Rõ ràng là phân khúc này không có trên thị trường chứ đừng nói là ít.
Mức giá này sẽ không đáp ứng hết nhu cầu 100% các thành phần người lao động, nhưng cũng sẽ giúp được đại bộ phận lao động thu nhập trung bình có cơ hội có nhà.
Còn nói đắt hay rẻ thì tôi đảm bảo nếu giảm giá còn 500 triệu đồng cũng sẽ có người kêu gọi nhà giá 0 đồng cho người vô gia cư, người thất nghiệp cho mà xem.
Muốn trụ được ở thành phố thì phải cố gắng bươn chải thêm, và biết lượng sức mình, nếu không đủ sức thì về quê".
Trước tình trạng trên thị trường không còn nhà giá dưới một tỷ đồng, nhiều độc giả cho rằng người lao động cần tính toán để tiết kiệm tiền mua nhà, cũng như tìm cách tăng thu nhập. Tuy nhiên, theo độc giả có nickname trieugiangho, để giải bài toán này không đơn giản:
"Đúng là làm việc hoài mà không dư tiền mua nhà là cần phải xem lại bản thân. Nhưng với giá ngày càng cao, việc mua nhà ngày càng khó. Những người làm công việc như công nhân, muốn nâng cao thu nhập cũng khó khăn lắm.
Hơn nữa nhiều người không tính ngoài việc sinh hoạt, nuôi con còn phải lo ông bà nội ngoại hai bên. Chưa kể một số còn phải phụ lo em út mình ăn học chứ nhà đã khó thì bố mẹ sức đâu. Mà không lo thì em út mình lại khổ như mình.
Vì thế, quan trọng vẫn là cần có những căn hộ giá cả hợp lý, phù hợp với mức thu nhập bình quân của người lao động, có thể theo từng ngành nghề cụ thể để đáp ứng được nhu cầu của đa số".
"Người Việt ai cũng muốn sở hữu nhà nên giá tăng cao. Trong khi các nước khác họ điều chỉnh xã hội bằng luật pháp, sở hữu một căn nhà thì không vấn đề gì chi phí thuế nhà đất chỉ ngang thuê nhà. Nhưng nếu sở hữu căn thứ hai trở lên thì thuế đánh cao hơn phần thu được từ cho thuê nhà.
Phần lớn các gia đình, cá nhân họ chọn thuê nhà cho đỡ mệt vì các khoản thuế nhà đất hoặc ra ngoại ô mua nhà cho đỡ các khoản thuế, phí. Tôi nghĩ chúng ta nên điều chỉnh thị trường nhà đất bằng chính sách thuế".
"Vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp chỉ có thể được giải quyết khi thị trường Việt Nam tiệm cận hiện trạng của các nước phát triển, tức là:
- Lãi suất tiền vay mua nhà lớn nhất tầm 4~5%.
- Có chế tài xử lí mạnh tay việc đầu cơ các bất động sản giá rẻ, ví dụ cấm giao dịch 5 năm sau khi mua.
Còn không, dù chủ đầu tư có tâm làm giá rẻ, nhưng bằng nhiều "cách nào đó" khi thực sự rao bán đến người cần mua thì cũng hết rẻ lâu rồi".
Hữu Nghị tổng hợp
Theo khảo sát của VnExpress, giai đoạn 2005-2014, nhà giá rẻ xuất hiện trên thị trường ở vùng giá từ 500-600 triệu đồng một căn đến 900 triệu đồng một căn. Tuy nhiên từ giai đoạn 2015-2018, khi thị trường bất động sản hồi phục sau khủng hoảng, nhà giá rẻ đã tiệm cận 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng một căn và không còn loại nhà thương mại mở bán với giá nửa tỷ đồng một căn nữa. Giai đoạn 2019-2021 nhà giá rẻ nhất trên thị trường dao động ở vùng giá 1,3-1,5 tỷ đồng một căn. Mặt bằng giá căn hộ tại các khu vực vùng ven TP HCM hay các tỉnh giáp ranh xuất hiện vùng giá 35-40 triệu đồng một m2. Nhà dưới 30 triệu đồng một m2 trở nên khan hiếm. Nhà một tỷ đồng một căn đang dần biến mất khỏi thị trường. |
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi ý kiến tại đây.
Một số độc giả hiến kế bình ổn giá nhà bằng chính sách pháp luật: