Là một người đã có nhiều năm làm việc với các bạn môi giới, tôi muốn chia sẻ một góc nhìn sâu hơn về nghề này, để mọi người có thể hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà một người môi giới "đúng nghĩa" mang lại.
Tôi từng làm việc mới một bạn môi giới nữ ở quận 9 cũ, TP HCM, giữa trưa nắng chang chang, vẫn kiên nhẫn đưa tôi đi xem vài mảnh đất.
Dù cuối cùng tôi không mua vì không phù hợp, tôi rất trân trọng sự tận tâm của bạn ấy. Không ít trường hợp, họ đưa hàng chục khách đi xem trong cả tháng trời nhưng vẫn không chốt được giao dịch.
Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, việc mua bán nhà đất thường diễn ra một cách rất đơn giản. Người mua có thể xem thông tin trên báo giấy hoặc đến một khu vực và hỏi thăm người dân địa phương - từ chị bán nước, cô bán tạp hóa, đến anh xe ôm.
Những người này, nhờ đặc thù công việc thường xuyên giao tiếp với người ngoài, đôi khi biết được thông tin về một căn nhà hay mảnh đất đang cần bán. Họ giới thiệu người mua và người bán, và hy vọng giao dịch thành công sẽ nhận hoa hồng giới thiệu. Cũng có trường hợp một người quen biết cả bên mua và bên bán, tình cờ kết nối hai bên và hy vọng nhận phí giới thiệu.
Tuy nhiên, những người này thường không có nghiệp vụ chuyên môn, không tham gia sâu vào các khâu như kiểm tra pháp lý, tư vấn giá cả hay hỗ trợ giao dịch. Họ chỉ làm công việc giới thiệu một cách hên xui, thành công thì tốt, không thì thôi.
Công việc chính của họ vẫn là bán nước, bán hàng hay chạy xe ôm, và việc giới thiệu nhà đất chỉ là một nguồn thu nhập phụ.
Chính vì góp ít công sức nhưng đôi khi nhận được khoản hoa hồng lớn so với thu nhập thường ngày, họ bị gắn mác "cò đất" với cái nhìn không mấy tích cực: "Ngồi không, tốn vài giọt nước miếng mà kiếm được nhiều tiền.", và cũng rất dễ bị "luồn cò" vì người bán cảm thấy "nó có làm gì đâu mà phải trả nhiều tiền như vậy".
Tuy nhiên, nghề môi giới bất động sản ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Đây không còn là công việc hên xui hay chỉ dựa vào vài mối quan hệ quen biết. Để trở thành một người môi giới "đúng nghĩa" và sống được với nghề, họ phải học hỏi, trang bị kiến thức chuyên môn, trải nghiệm thực tế và đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt trong những giai đoạn thị trường trầm lắng, những người môi giới không đủ giỏi thường không thể trụ lại và buộc phải bỏ nghề.
Bán cái bánh, cái kẹo, chai nước ngọt, các doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng đã yêu cầu trình độ nhân viên bán hàng phải trên Trung cấp. Vậy nghề môi giới bất động sản, bán sản phẩm tiền tỷ, thì không thể thiếu rất nhiều kỹ năng và sự chuyên nghiệp. Dưới đây là những công việc mà các bạn môi giới phải thực hiện:
1. Kiếm nhà đất cần bán
- Không còn là thời của "chờ thời," khi môi giới chỉ ngồi đợi người quen gửi thông tin nhà đất cần bán. Ngày nay, họ phải chủ động đi tìm kiếm để đa dạng hóa "giỏ hàng" của mình. Điều này không chỉ đơn giản là tìm thông tin về bất động sản đang rao bán, mà còn đòi hỏi kiến thức để kiểm tra tính pháp lý, quyền sở hữu, và tình trạng thực tế của tài sản.
- Một người môi giới chuyên nghiệp phải đảm bảo rằng bất động sản họ giới thiệu không có tranh chấp, không vướng quy hoạch, và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Quá trình này đòi hỏi sự tỉ mỉ, am hiểu pháp luật và cả kinh nghiệm thực tế.
2. Kiếm người cần mua
- Cũng giống như việc tìm bất động sản, việc tìm người mua không còn là ngồi chờ khách tự đến hỏi. Người môi giới phải tự bỏ chi phí để đăng quảng cáo trên các trang web bất động sản – mỗi tháng có thể tốn vài triệu đồng cho một căn nhà mảnh đất rao bán. Họ cũng phải phát triển các kênh bán hàng khác như Facebook, TikTok, YouTube, tham gia các sự kiện offline liên quan đến bất động sản, xây dựng hay đầu tư để mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Những nỗ lực này không chỉ tốn chi phí mà còn đòi hỏi sự sáng tạo và kiên trì.
3. Chăm sóc khách mua
- Khác với việc chỉ giới thiệu qua loa để người mua và người bán tự gặp nhau, người môi giới ngày nay phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của khách hàng, tư vấn về giá cả, tiềm năng phát triển, vị trí và các yếu tố pháp lý liên quan. Họ tốn rất nhiều thời gian và chi phí - từ xăng xe, điện thoại, đến mời cà phê để đưa khách đi xem bất động sản.
- Trong một giao dịch bất động sản, bên bán luôn muốn bán giá cao, còn bên mua muốn mua giá rẻ. Người môi giới đóng vai trò trung gian, giúp hai bên đạt được thỏa thuận về giá cả.
- Các thỏa thuận khác trong giao dịch cũng cần sự hỗ trợ của họ như: tiến độ thanh toán, hình thức vay ngân hàng, hay các thủ tục pháp lý. Họ cũng hỗ trợ hoàn thiện các giấy tờ từ đặt cọc, ký hợp đồng mua bán, đến khi sang tên sổ chủ quyền. Đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự am hiểu pháp luật và kỹ năng đàm phán để đảm bảo giao dịch diễn ra suôn sẻ.
Nghề nào cũng có "con sâu làm rầu nồi canh". Cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác, nghề môi giới bất động sản có những người làm tốt và những người làm kém.
Thực tế, trong 10 người làm nghề, có thể chỉ có 2 người thực sự giỏi và sống khỏe với nghề. 8 người còn lại thường bấp bênh, dễ bỏ nghề vì không đủ chuyên môn và không chịu được áp lực "đói" giao dịch trong thời gian dài. Đáng tiếc là một số người trong nhóm này, vì áp lực tài chính, có thể làm sai, làm bậy, từ đó ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nghề.
Môi giới bất động sản đúng nghĩa không phải là công việc "ngồi không, tốn vài giọt nước miếng mà kiếm được nhiều tiền." Đằng sau mỗi giao dịch thành công là cả một hành trình dài với rất nhiều công sức, kiến thức và sự tận tâm.
Những người môi giới "đúng nghĩa" không chỉ là cầu nối giữa người mua và người bán, mà còn là người tư vấn, hỗ trợ và đồng hành cùng khách hàng trong một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời họ - mua nhà đất.
Hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn và trân trọng hơn với nghề môi giới bất động sản. Hãy dành cho họ sự đồng cảm và công bằng như bao ngành nghề khác, quan trọng nhất là đừng "luồn cò" họ.
Lê Quốc Kiên