Xe tăng Abrams của Arab Saudi và Iraq bị phiến quân bắn nổ bằng ATGM. Video: RT.
Hàng loạt tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) đầy uy lực đang tràn ngập chiến trường Trung Đông. Hàng loạt cải tiến công nghệ khiến chúng trở thành hiểm họa hàng đầu nhưng ít được biết đến đối với tăng thiết giáp Mỹ nói riêng và lực lượng quân sự được Washington triển khai ở Trung Đông nói chung, theo Wall Street Journal.
Sự phổ biến của ATGM bắt nguồn từ nỗ lực huấn luyện, trang bị vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm của Mỹ, Nga và Iran tại chiến trường này.
Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa chống tăng TOW cho phiến quân Syria từ giữa năm 2013, nhằm hỗ trợ cuộc chiến lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chương trình viện trợ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt vào năm 2017, do lo ngại vũ khí hiện đại rơi vào tay các nhóm khủng bố như al-Qaeda.
"Có khả năng lính Mỹ sẽ phải đối mặt với chính loại ATGM được Washington chuyển cho phiến quân ở Trung Đông trong quá khứ. Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các chi nhánh al-Qaeda đang sở hữu tên lửa chống tăng do Mỹ sản xuất", Omar Lamrani, chuyên gia quân sự thuộc tổ chức Stratfor của Mỹ, nhận xét.
Nhiều lực lượng dân quân ở Trung Đông cũng đang sở hữu ATGM có nguồn gốc từ Mỹ, Bulgaria, Trung Quốc, Pháp, Iran và Nga. Súng chống tăng truyền thống như RPG-7 chỉ có tầm bắn vài trăm mét và không thể điều khiển sau khi khai hỏa, trong khi các quả đạn ATGM đủ sức đánh trúng mục tiêu từ cách hàng nghìn mét và có độ chính xác cao nhờ hàng loạt cơ cấu dẫn đường khác nhau.
"ATGM hiện đại có thể xuyên qua giáp thép cán đồng nhất dày hơn 1.000 mm. Không khí tài nào có thể bảo đảm an toàn trước sức hủy diệt như vậy. Nhiều mẫu ATGM đang xuất hiện trong tay IS, Taliban và dân quân Hezbollah", nhà phân tích John Gordon thuộc Viện Nghiên cứu RAND của Mỹ, đánh giá.
ATGM Mỹ bị quân chính phủ Syria thu từ tay phiến quân. Video: ANNA News.
Uy lực của ATGM đối với xe tăng chủ lực của Mỹ và phương Tây từng nhiều lần được thể hiện tại Trung Đông. Ở Yemen, hàng loạt xe tăng M1A2SA hiện đại của Arab Saudi bị phiến quân Houthi phá hủy, thậm chí nổ tung bởi những quả ATGM do Nga sản xuất. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những chiếc M1A1 trong biên chế quân đội Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ mất số lượng lớn xe tăng M60 Patton và M60T Sabra trong các chiến dịch chống IS và dân quân người Kurd ở khu vực phía nam giáp với biên giới Syria. Ankara sau đó tung vào trận những chiếc Leopard 2A4 hiện đại do Đức sản xuất, nhưng cũng hứng chịu thiệt hại lớn khi 8-10 chiếc bị phiến quân IS phá hủy bằng ATGM chỉ trong vài ngày.
Điều này đặt ra nhu cầu bức thiết với quân đội Mỹ, nhằm tìm giải pháp ứng phó với ATGM trong các chiến dịch quân sự tương lai.
Lục quân Mỹ phải đẩy nhanh dự án trang bị giáp thế hệ mới cho xe quân sự, nhằm đối phó hiệu quả hơn với ATGM. Dù Tổng thống Trump đã ra lệnh rút quân khỏi Syria, Mỹ vẫn đang duy trì 5.000 binh sĩ ở Iraq và 14.000 người ở Afghanistan, chưa kể tới nhiều khu vực khác ở Trung Đông và châu Phi.
Quân đội Israel từng có nhiều kinh nghiệm chống ATGM khi phải đối mặt với mối đe dọa từ loại vũ khí này từ hơn 10 năm qua. Trong khi đó, lực lượng Mỹ chỉ gặp những nhóm phiến quân chuyên dùng thiết bị nổ tự chế (IED), mìn và súng chống tăng vác vai.
"Người Israel sống trong môi trường bị đe dọa thường trực, thúc đẩy hàng loạt cải tiến trong lĩnh vực quân sự. Còn chúng ta dành phần lớn thời gian ở Iraq và Afghanistan, nơi lính Mỹ không phải lo ngại về ATGM", đại tá Glenn Dean, giám đốc dự án nâng cấp xe chiến đấu bộ binh Stryker của lục quân Mỹ, thừa nhận.
![]() |
Phiến quân Syria sử dụng tên lửa TOW Mỹ hồi năm 2015. Ảnh: Twitter. |
Một trong những giải pháp chống ATGM hiệu quả nhất chính là hệ thống phòng thủ chủ động (APS) được Nga và Israel phát triển. Chúng được trang bị nhiều cảm biến để phát hiện ATGM bay tới, sau đó kích hoạt đạn đánh chặn và diệt mục tiêu trước khi nó đánh trúng xe tăng.
Hệ thống APS được trang bị đại trà cho xe tăng Israel từ năm 2010, cùng thời điểm Lầu Năm Góc hủy dự án xe thiết giáp mang tên "Các hệ thống chiến đấu tương lai" (FCS) của lục quân, trong đó sẽ trang bị APS cho xe chiến đấu để tăng khả năng phòng vệ.
"Quân đội Mỹ nhận thấy nhu cầu bảo vệ binh sĩ trước ATGM. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống APS và trang bị cho lượng lớn phương tiện chiến đấu là quá đắt đỏ, trong khi công nghệ chưa được hoàn thiện. Điều này sẽ đặt lính Mỹ vào vòng nguy hiểm nếu họ đối mặt với phiến quân được trang bị ATGM hiện đại", chuyên gia Lamrani nói thêm.